Xuất khẩu của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức
Thống kê từ Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã có sự tăng trưởng so với tháng trước – thời điểm bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, xuất khẩu đạt 18,5 tỷ USD trong tháng 5 (tăng 5,2%), trong khi nhập khẩu ước đạt 19,4 tỷ USD (tăng 4,7%). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu giảm 1,7% trong khi nhập khẩu giảm 3,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 5 vừa qua, thị trường Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng 8,2%, tuy nhiên mức tăng này đã thu hẹp đáng kể so với cuối tháng 3 (+20%) và tháng 4 (+13,4%). Điểm bất ngờ là Trung Quốc đã trở thành thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong 5 tháng đầu năm (+20%). Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường EU giảm 12%; ASEAN giảm 13,4%; Hàn Quốc giảm 0,5%.
Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho rằng, việc xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm nhẹ 1,7% trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19 là một tín hiệu đáng khích lệ. Nhiều khả năng xuất khẩu trong tháng 6 sẽ tiếp tục tăng trưởng so với tháng 5, do Mỹ và EU mở cửa lại nền kinh tế. Tuy vậy, trong khung thời gian dài hơn, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính được dự báo khó có thể hồi phục mạnh ngay sau dịch bệnh. Qua đó, BVSC cho rằng xuất khẩu của Việt Nam trong cả năm 2020 sẽ còn gặp nhiều thách thức.
Dự báo VND sẽ chỉ mất giá 1- 2%
Cũng theo Báo cáo chiến lược tháng 5 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, trong tháng 5, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại có xu hướng ngược chiều nhau. Trong khi tỷ giá trung tâm gần như đi ngang thì tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại lại giảm 161 đồng, tương đương 0,68%.
Như vậy, so với cuối năm 2019 thì tỷ giá trung tâm vào cuối tháng 5 tăng 102 đồng (tương đương 0,4%) trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng ít hơn (92 đồng, tương đương 0,24%). Đồng NDT có xu hướng giảm giá nhanh trong tuần cuối tháng 5. So với cuối tháng 4, NDT trong tháng vừa qua đã giảm giá 0,8%, đưa mức mất giá của NDT so với USD từ đầu năm đến nay lên mức 2,2%.
BVSC đánh giá, biến động của đồng NDT như trên chưa gây nhiều rủi ro đối với tỷ giá USD/VND. Mặc dù không loại trừ khả năng quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tăng nhiệt có thể khiến đồng NDT giảm giá thêm trong thời gian tới nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không để đồng NDT mất giá quá mạnh trong 1 thời gian quá ngắn.
Trong khi đó, duy trì tỷ giá ổn định với mức giảm giá vừa phải vẫn là một trong những “mỏ neo” ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam hiện cũng ở trạng thái xuất siêu cộng thêm dự trữ ngoại hối đã “dày” hơn trước là những nhân tố giúp VND chống đỡ tốt trước các biến động từ bên ngoài. Dự báo VND sẽ chỉ mất giá 1- 2% trong năm 2020.
Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), báo cáo của BVSC cũng cho biết, sau đà lao dốc mạnh trong tháng 4, chỉ số CPI gần như có diễn biến đi ngang trong tháng 05/2020 khi chỉ giảm nhẹ 0,03%. Theo đó, CPI cuối tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, giảm mạnh so với mức đỉnh 6,4% hồi cuối tháng 01/2020.
Dù liên tiếp giảm trong 4 tháng gần đây nhưng BVSC cho rằng, xu hướng giá xăng dầu trong nước tăng trở lại (do giá dầu thế giới hồi phục) sẽ dần phản ánh rõ nét, là yếu tố khiến chỉ số CPI có thể bật tăng trong các tháng tới. Ngoài ra, giá thịt lợn vẫn là một ẩn số rủi ro đối với CPI từ giờ tới cuối năm (trong tháng 5, giá thịt lợn vẫn tăng 4,13% bất chấp động thái tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh của Việt Nam).
Theo VnMedia