Dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam sẽ đạt ở mức cận cao

Cơ hội giao thương - Trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục xu hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được cận cao của mục tiêu từ 6,6 đên 6,8% như Quốc hội đề ra.
Kinh tế vĩ mô đạt nhiều thành quả nổi bật
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựa nổi bật. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (mặc dù trong tháng, giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và giá thịt lợn tiếp tục tăng).
 
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển khá cả nuôi trồng và khai thác (đàn gia cầm tăng 10%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,4%). Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%; đặc biệt trong tháng 8/2019, ngành khai khoáng tăng mạnh (IIP khai khoáng tăng 14,4%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
 
Đáng chú ý, giải ngân vốn FDI tăng khá, đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3%. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng. Có 90.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và tăng 31% về vốn đăng ký. Có 25.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8%.
 
 
Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước đạt khá. Các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu ngân sách trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%); chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thu ngân sách tăng khá thể hiện thực lực của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm.
 
Cầu nội địa tiếp tục tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2019 vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, tăng 11,5% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03%). Khách quốc tế tiếp tục đà tăng cao đạt 11,3 triệu lượt khách quốc tế.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta tăng khá, đặc biệt xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%;…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong nước vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
 
Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, cần có biện pháp mạnh để thúc đẩy trong thời gian tới; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (phân bón giảm 1,9%; dầu thô giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%,…)….
 
Về xuất nhập khẩu, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực giảm, giá xuất một số mặt hàng ở mức rất thấp; xuất khẩu sang một số thị trường lớn giảm (thị trường EU giảm 0,5%; thị trường Trung Quốc giảm 2,5%).
 
Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức Quốc hội giao
 
Năm 2019 đã đi qua được 8 tháng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
 
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế – xã hội trong nước tiếp tục xu hướng tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2019 của Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được cận cao của mục tiêu từ 6,6 đên 6,8% như Quốc hội đề ra.
 
Cùng với những dự báo khả quan trên, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,8%, HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,7%. Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia dự báo năm 2019 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,86%, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo 6,96%.
 
Theo VnMedia
(Visited 23 times, 1 visits today)