Doanh nghiệp thành lập mới tăng, quy mô vốn ngày càng mở rộng

Cơ hội giao thương - Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%.

Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2020 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh đó tháng Chín năm nay trùng với tháng Bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên quy mô vốn đăng ký tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Cụ thể, trong tháng 9/2020, cả nước có 10,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 83 nghìn lao động, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, giảm 29,6% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 777,9 nghìn lao động, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%, trong đó có 10,7 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,4%; 192 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 15,7%.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; kinh doanh bất động sản….

Các doanh nghiệp tin tình hình kinh doanh ổn định

Bên cạnh những thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020. Theo đó, có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. 

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020, có 54,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 51,6% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 35% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 29,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp…

Liên quan đến đơn đặt hàng, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, có 30,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2020 cao hơn quý II/2020; 30,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 38,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý IV/2020 so với quý III/2020, có 43,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 17,7% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Quý III/2020 so với quý II/2020, có 26,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 32,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 40,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý IV/2020 so với quý III/2020, có 35,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 20,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 44% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Theo VnMedia

(Visited 31 times, 1 visits today)