Từ ngày 27/2 đến 05/3/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm và làm việc tại Vương quốc Tây Ban Nha. Tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha diễn ra ngày 02/3/2023 do Liên đoàn giới chủ Tây Ban Nha (CEOE) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, Bộ Công Nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu Tây Ban Nha và hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam tham dự.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Maria Reyes Maroto đều khẳng định quan hệ song phương hai quốc gia có nền tảng tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực. Đây chính là trụ cột và động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên một tầm cao mới.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha, Chủ tịch CEOE International- bà Maria Blanco và người đứng đầu Phòng thương mại Tây Ban Nha- bà Immaculada Riera cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp Tây Ban Nha rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường ASEAN nói chung, như một điểm đến làm đa dạng hóa thị trường trong chiến lược kinh doanh của mình.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhận định hợp tác thương mại song phương đã duy trì đà tăng trưởng tốt trong 8 năm qua và Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo xung lực mới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên bật tăng mạnh từ tháng 8 năm 2020 khi gần như 100% dòng thuế xuất nhập khẩu về 0% theo lộ trình từ 7 – 10 năm.
Vị trí chiến lược của hai nước nằm ở cửa ngõ những khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và châu Âu giúp hai nước trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 quốc gia trên thế giới; trong đó, những FTA quan trọng mở cửa nhiều thị trường lớn nhất thế giới như CPTPP, EVFTA, AFTA, RCEP… giúp Việt Nam có khả năng trở thành một hub quan trọng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Để tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thương mại song phương và hợp tác đầu tư, chú trọng vào những lĩnh vực như: công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghệ phụ trợ cho ngành dệt may, da giầy; phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ luồng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng; hợp tác trong ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là hydrogen xanh nhắm hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững.
Cũng tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã giới thiệu về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa ra danh mục những dự án kêu gọi hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Tây Ban Nha.
Các doanh nghiệp Tây Ban Nha tham dự Tọa đàm đã có những trao đổi hết sức cụ thể về hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam cũng như chia sẻ thêm về mong muốn và định hướng phát triển hơn nữa các dự án với Việt Nam nhờ vào sự hấp dẫn của thị trường và vai trò ngày càng quan trọng của nền kinh tế này trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam đã trực tiếp giải đáp những câu hỏi của doanh nghiệp, cung cấp thêm thông tin cho doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Kết thúc tọa đàm là phiên kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Tây Ban Nha nhằm cụ thể hóa các cơ hội kinh doanh. Tọa đàm đã thành công tốt đẹp và được các doanh nghiệp Tây Ban Nha đánh giá cao.
Về trao đổi thương mại, hiện nay, Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong khối EU, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 7 và đối tác nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 (là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 2,96 tỷ USD,tăng 16,34% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tây Ban Nha đạt 572,69 triệu USD, giảm 1,59% so với năm ngoái.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, Tây Ban Nha có 88 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 143,37 triệu USD, đứng thứ 45/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Tây Ban Nha với tổng số vốn là trên 64,2 triệu USD.
Theo VietQ.vn
Doanh nghiệp Tây Ban Nha rất quan tâm đến thị trường Việt Nam (vietq.vn)