Đề xuất cho phép sử dụng nguồn thu từ tín chỉ các-bon hỗ trợ đơn vị tham gia Đề án 1 triệu ha lúa ĐBSCL

Cơ hội giao thương - Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh và cho phép sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa ĐBSCL, và không phải đóng góp vào lượng giảm phát thải cam kết trong Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (viết tắt là NDC) của Việt Nam.

Chiều 28/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) về nhiều nội dung, trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với Bộ NN&PTNT chiều 28/8/2023

Báo cáo về dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Đề án nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích 300 nghìn ha đến năm 2025 và đến năm 2030 phấn đấu đạt 1 triệu ha.

Đề án hướng đến mục tiêu thực hiện canh tác lúa bền vững, trong đó có việc giảm lượng giống, phân bón, giảm lượng nước sử dụng để đảm bảo giảm phát thải; tổ chức lại sản xuất, với khoảng 1 triệu ha lúa sẽ có trên 1 triệu hộ nông dân. Việc thực hiện Đề án nhằm tổ chức các hộ nông dân vào hợp tác xã để thực hiện liên kết.

Đề án cũng hướng đến việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, đồng thời, hướng đến việc tăng thu nhập cho người trồng lúa thông qua việc giảm chi phí và nâng giá trị của lúa gạo; phấn đấu xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải,…

Trên cơ sở kết quả Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Bộ NN&PTNT tính toán Đề án sẽ cần 650 triệu USD kinh phí.

 Sản xuất lúa tại ĐBSCL

Để Đề án được hiện thực hóa, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho phép Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đề xuất xây dựng thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh, và cho phép sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án và không phải đóng góp vào lượng phát thải cam kết trong Đóng góp Quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sớm phê duyệt Đề án để kịp thời triển khai ngay cho vụ Đông xuân tới; đồng thời, đồng ý chủ trương triển khai các chương trình, đề án ưu tiên thuộc Đề án, đặc biệt là chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất vùng dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).

Theo VietQ.vn

Đề xuất cho phép sử dụng nguồn thu từ tín chỉ các-bon hỗ trợ đơn vị tham gia Đề án 1 triệu ha lúa (vietq.vn)

(Visited 21 times, 1 visits today)