Ngày 13/12/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo Công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017.
Quy mô GDP tăng bình quân 25,4%/năm
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất (27,3%) và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất (23,8%). Năm 2017, quy mô GDP sau đánh giá lại đạt 6.294.000 tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006.000 tỷ đồng).
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017
Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017
Trong khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm từ 25.000 tỷ đồng đến 46.000 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4% – 6,2% so với số đã công bố. Khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại tăng thêm từ 211.000 tỷ đồng đến 555.000 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6% – 36,6% so với số đã công bố. Khu vực dịch vụ tăng thêm từ 316.000 tỷ đồng đến 615.000 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8% – 39,6% so với số đã công bố.
Tổng cục Thống kê cho biết, cơ cấu GDP thay đổi, phản ánh rõ hơn xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế. Cụ thể, bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, so với số đã công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% xuống còn 14,7% (giảm 2,7 điểm phần trăm); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,0% lên 34,8% (tăng 1,8 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2% (tăng 2 điểm phần trăm); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố nhưng cơ cấu trong GDP giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn.
Cũng theo kết quả công bố của Tổng cục Thông kê, tốc độ tăng GDP hằng năm không có biến động lớn so với số đã công bố. Tốc độ tăng GDP hằng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hằng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm.
5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP
Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP và nhóm nguyên nhân thứ 5 làm giảm quy mô GDP.
Nguyên nhân 1: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước.
Nguyên nhân 2: Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Rà soát, đối chiếu kết quả tổng điều tra năm 2017 và dữ liệu từ cơ quan Thuế đã bổ sung 278 nghìn tỷ đồng doanh thu. Tổng điều tra kinh tế đã khai thác hồ sơ hành chính của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bổ sung 146 doanh nghiệp với doanh thu 264 nghìn tỷ đồng; bổ sung 109 nghìn tỷ đồng thu khác ngoài ngân sách Nhà nước và khấu hao tài sản cố định của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguyên nhân 3: Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Đánh giá lại chỉ tiêu GDP đã triển khai cập nhật cách xử lý hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động sản xuất phần mềm máy tính và cách xử lý đối với đơn vị thuê gia công trong nước theo khuyến nghị của SNA 2008.
Nguyên nhân 4: Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP.
Nguyên nhân 5: Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước làm quy mô GDP bình quân mỗi năm giảm khoảng 131 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 14% so với mức tăng bình quân mỗi năm đánh giá lại GDP. Trong những năm qua, thay đổi cơ cấu kinh tế của nước ta diễn ra nhanh và mạnh mẽ, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giữa 3 khu vực kinh tế mà còn diễn ra trong từng ngành, từng khu vực. Việc thay đổi cơ cấu dẫn đến thay đổi quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất, thay đổi tỷ lệ chi phí trung gian và hệ thống chỉ số giá của nền kinh tế.
Vì vậy, đánh giá lại quy mô GDP phải cập nhật sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Việc cập nhật này làm tăng hệ số chi phí trung gian của nhiều ngành kinh tế dẫn đến quy mô GDP giảm gần 71 nghìn tỷ (giảm 7,6%); làm thay đổi chỉ số giá và bảng giá sản phẩm dẫn đến quy mô GDP giảm khoảng 61 nghìn tỷ (giảm 6,5%).
Theo VnMedia