Ngày 6/4/2025, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2025. Bà Nguyễn Thị Hương- Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2025 ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 7,7% (ứng với kịch bản GDP đạt 8%) tạo sức ép rất lớn lên các quý tiếp theo trong khi bối cảnh thế giới còn rất nhiều thách thức, rủi ro.

Dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo khá rõ.
Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ngày càng khó khăn, thách thức hơn, đặc biệt là phải đồng thời triển khai khối lượng lớn công việc, bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thống kê khẳng định, dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo khá rõ. Đó là: đầu tư công và đầu tư nước ngoài tiếp tục là cánh tay đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài sẽ là cầu nối cũng như bước đệm quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Cùng với đó, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ đang trong giai đoạn bùng nổ sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16% trong năm 2025 được kỳ vọng là cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách tháo gỡ pháp lý, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, từ đó kích thích phát triển ngành xây dựng. Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, tăng cường chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách du lịch đặc biệt trong mùa du lịch sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,0% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026- 2030, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo cung ứng hàng hóa và kiểm soát giá cả, thị trường.
Hai là, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước.
Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sáu là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân. Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới , đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/cuc-thong-ke-co-du-dia-tang-truong-kinh-te-trong-cac-quy-tiep-theo-d232138.html