Tối ngày 30/3, Lễ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 đã diễn ra. Lễ tắt đèn được xem là sự kiện chính của chiến dịch Giờ Trái Đất 2019, diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, trước Nhà hát lớn Hà Nội.
Giờ Trái Đất (Earth Hour) do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) sáng lập, là một chiến dịch toàn cầu khởi đầu tại thành phố Sydney (Australia) vào năm 2007, với mục đích khuyến khích mỗi cá nhân, hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ đồng hồ từ 8h30 đến 9h30 (giờ địa phương) vào thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhất tham gia Giờ Trái Đất, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Chiến dịch đã có đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. Đến nay, Việt nam đã tổ chức sự kiện này 11 lần.
Cùng với đó, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn từ 2001 – 2015, ước tính về thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, lở đất và hạn hán khoảng 1,5% GDP Quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động hợp tác với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đã có cam kết và hành động cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và trái đất.
Tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp thiết thực, và hiệu quả trong nỗ lực thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Được thực hiện khá sớm tại Việt Nam, khung cơ sở pháp lý Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các chương trình khác nhau về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã được thực hiện qua các thời kỳ. Gần đây nhất, ngày 13/3/2019, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5,0 – 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 – 10% trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. Chương trình một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt nam trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Để thể hiện thông điệp “Tiết kiệm năng lượng – Bảo vệ trái đất” (Save energy – Save Earth) một cách thiết thực nhất, Ban Tổ chức đã sử dụng năng lượng từ những tấm pin mặt trời (tích điện trước đó) để phục vụ một phần điện năng để tổ chức chương trình Lễ tắt đèn.
Ngoài ra, chương trình cũng có sự góp mặt của đại sứ Lê Vĩnh Sơn, (Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà), đại sứ H’hen Nie (Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam năm 2017), đại sứ Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch Softwave), đại sứ Ousmane Dione (Giám đốc World Bank Việt Nam)… Đây không chỉ đơn thuần là đêm nghệ thuật đặc sắc mà còn thực sự ý nghĩa hơn ở chỗ: Tất cả cùng cất lên tiếng nói bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống.
Sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ Trái đất 2019 (20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2019), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trên phạm vi cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 492000 kWh, tương đương số tiền khoảng 917 triệu đồng.
Theo VnMedia
(Visited 22 times, 1 visits today)