Hiện, mới có khoảng 35 doanh nghiệp đã cổ phần hóa trên 127 doanh nghiệp nhà nước (tương đương khoảng 27,5%). Việc thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp (tương đương 21,8%) so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi tọa đàm “Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Trung – Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, thời gian qua, chất lượng hoạt động cổ phần hóa đã được nâng lên nhiều so với trước. “Trước đó, báo cáo giám sát của Quốc hội đã chỉ ra nhiều trường hợp đánh giá không đúng, sai chế độ, vi phạm… gây thất thoát, ảnh hưởng niềm tin, uy tín của quá trình cổ phần hóa”, ông Trung nêu.
Nghị định 126/2018/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP được ban hành đã sửa đổi căn bản, thể chế hoá nhiều chủ trương chính sách, áp dụng phương pháp định giá tiên tiến theo thông lệ quốc tế để định giá tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN), khiến chất lượng cổ phần hóa được nâng cao, đảm bảo mục tiêu hài hoà lợi ích cổ đông, người lao động và Nhà nước.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cũng cho rằng việc ban hành các văn bản chính sách mới góp phần đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả cao trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Trong đó phải kể đến Nghị định 126/2018/NĐ-CP, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, trong đó đặc biệt là về việc phê duyệt phương án sử dụng đất, vấn đề khó khăn nhất và cần nhiều thời gian xử lý nhất. Những quy định cụ thể về phê duyệt phương án sử dụng đất góp phần hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.
Ảnh minh họa |
Vẫn là câu chuyện “người đứng đầu”
Nói về nguyên nhân chậm cổ phần hóa, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, thể chế, chính sách hiện nay còn nhiều lỗ hổng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, những vướng mắc trong quản lý đất đai cũng được xem là một nguyên nhân của tình trạng này.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, đây chưa hẳn đã là lý do chính. Để hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp, vai trò và sự quyết liệt của người đứng đầu doanh nghiệp hết sức quan trọng.
Trên thực tế, ở những doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa, nhiều lãnh đạo còn tâm lý e ngại trong việc thực hiện thực chất đổi mới khi cổ phần hóa, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, tư tưởng yên vị vẫn còn. Ngoài ra, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên quan đến trách nhiệm cá nhân vẫn còn chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, tạo ra tâm lý ngại trách nhiệm sau này.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, công tác cán bộ là rất quan trọng, cần có các quy định rõ ràng, cụ thể hơn để người thực hiện cổ phần hóa yên tâm làm nhiệm vụ.
Theo VnMedia