Chuyển đổi số – nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Cơ hội giao thương - Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, đến nay chưa phát triển như yêu cầu và mong muốn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển trong giai đoạn mới.

Sáng 23/9/2022, Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 chủ đề chuyển đổi số – động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022. 

Kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực

Theo Liên minh HTX Việt Nam, các hợp tác xã (HTX) trên cả nước đang hoạt động đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và tín dụng; nhiều HTX tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể đến nay chưa phát triển như mục tiêu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân là một số nội dung hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. “Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã được ban hành. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Ðảng tiếp tục củng cố và phát triển vai trò khu vực kinh tế tập thể.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Vẫn còn nhiều thách thức về chuyển đổi số trong kinh tế tập thể.  

Theo đó, Nghị quyết đã đề ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo. Một là, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.

“Đây chính là các nội dung mang tính chiến lược, là cơ sở cho việc hoàn thiện cơ chế, thể chế phát triển và quản trị cho khu vực kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn từ nay đến 2045”- Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Nghị quyết số 20-NQ/TW khẳng định kinh tế tập thể được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về chuyển đổi số trong kinh tế tập thể. 

Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành địa phương xây dựng Dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi với tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật có một số điểm mới như: Bổ sung đối tượng Tổ hợp tác và Liên đoàn HTX tạo ra một hệ sinh thái các Tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, mở rộng đối tượng thành viên liên kết; Tổ chức kinh tế hợp tác được tìm kiếm lợi nhuận ra bên ngoài như hoạt động của doanh nghiệp sau khi đáp ứng nhu cầu thành viên; Cắt giảm thủ tục hành chính, bãi bỏ phương án sản xuất kinh doanh, giảm quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức kinh tế hợp tác gia nhập, rút khỏi thị trường; bổ sung quy định cơ cấu tổ chức linh hoạt phù hợp với quy mô hoạt động của các Tổ chức kinh tế hợp tác; Quy định rõ tiêu chí các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, khắc phục tình trạng HTX thành lập hình thức với mục tiêu trục lợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp HTX chuyển đổi số, như: Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký HTX trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác của cộng đồng hợp tác xã, các mục tiêu của Nghị quyết 20 sẽ được thực hiện thành công, giúp cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định.

Theo VietQ.vn

Chuyển đổi số- Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (vietq.vn)

(Visited 18 times, 1 visits today)