Chống rác thải nhựa- thúc đẩy du lịch bền vững
Quảng Ninh nổi tiếng là nơi được ban tặng tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng với trên 600 di tích và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận kỳ quan thiên nhiên thế giới. Những tiềm năng lợi thế trên đưa Vịnh Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung là sự lựa chọn ưu tiên số một của khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo ước tính của Dự án EPPIC 2020 thì khu vực Vinh Hạ Long có đến 28.283 tấn chất thải nhựa được phát sinh ra mỗi năm, trong đó khoảng 5.272 tấn rác thải nhựa có thể bị rò rỉ ra đại dương; mỗi ngày phát sinh 34 tấn rác thải từ các hoạt động du lịch. Ngoài gây ô nhiễm môi trường nước, suy giảm các hệ sinh thái, rác thải nhựa trôi nổi cũng ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch của khu di sản.
Tại hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa” diễn ra Ngày 26/8/2022, tại thành phố Hạ Long, ông Patrick Haverman- Phó trưởng đại diện thường trú Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam- cho biết, nhựa được ước tính chiếm 70-80% chất thải đại dương. Chỉ riêng tại sáu trên mười quốc gia là thành viên khối ASEAN, hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa phát sinh trong một năm. Trong khi nhiều quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại rác thải nhựa, những thách thức về chất thải nhựa đại dương là không có biên giới.
Trong khuôn khổ dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhựa’ (còn gọi là Dự án 5 thành phố), tài trợ bởi Đại sứ quán Na Uy, UNDP đã xây dựng các mô hình tổng hợp, xanh và công bằng để cải thiện hệ thống quản lý chất thải sinh hoạt.
UNDP cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường để tìm kiếm và triển khai Dự án “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC) tại 04 quốc gia ASEAN (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines) để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, được xem như một trong những nỗ lực chung của khu vực. Cuộc thi nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Na Uy.
Thông qua Dự án, một cửa hàng “EPPIC shop” đã được khai trương tại thành phố Hạ Long, để trưng bày các sản phẩm và dịch vụ đổi mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa-.
Theo ông Patrick Haverman, để phát triển du lịch bền vững, cần nâng cao nhận thức về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương, thúc đẩy các hành động giảm thiểu và ngăn chặn nhựa sử dụng một lần; vận động người dân, du khách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm thay thế cho nhựa sử dụng một lần.
Từ tháng 9/2022, huyện đảo Cô Tô ở phía bắc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức cấm du khách mang chai và túi nhựa ra đảo nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. Bằng cách hành động đúng hướng, Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung có thể thay đổi và dịch chuyển vị thế của mình từ một trong những nơi gây ô nhiễm nhựa lớn nhất trên toàn cầu, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu chống lại ô nhiễm chất thải nhựa- ông Patrick Haverman bày tỏ hy vọng.
Mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, tạo sinh kế bền vững cho người dân
Thời gian qua, với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tại thành phố Hạ Long đã xuất hiện nhiều mô hình hay nhằm giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần gắn liền với tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Đến thăm Hợp tác xã sản xuất sản phẩm tái chế và dịch vụ tổng hợp Green Life Hạ Long, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích, bắt mắt từ những thứ tưởng như bỏ đi của các xã viên hợp tác xã nơi đây.
Bà Trần Thị Hương- Giám đốc Green Life Hạ Long cho biết, từ ý tưởng tận dụng những phế phẩm để chế tạo ra các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống, HTX của bà đã đi thu gom những tấm pano, áp phích, chai, lọ, nhựa, thùng sơn, lốp xe, phao tàu hay những miếng vải thừa, vải vụn… để sản xuất ra những sản phẩm gia dụng bắt mắt, được người tiêu dùng yêu thích.
Chẳng hạn, từ những lốp xe ô tô cũ bỏ đi, được Green Life Hạ Long gom về rửa sạch, khoác lên những tấm áo mới bằng vải thừa xin ở các cửa hàng may, thêm đế chân bằng những cột cầu thang, thế là thành những chiếc ghế sopha ngồi rất êm và đẹp mắt. Rồi những tấm pano, áp phích được may, thiết kế thành những chiếc túi đi chợ tiện dụng cho các bà, các chị; đến những chiếc ví cầm tay xinh xắn. Những miếng vải vụn được may thành những cái nơ cài tóc duyên dáng, quyển sổ tay cho học sinh…
Từ khi thành lập tháng 12/2019 đến nay, Hợp tác xã Green Life Hạ Long đã thu gom rác thải nhựa, phế liệu và tái chế được trên 30 ngàn sản phẩm bán ra thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các xã viên. Không chỉ thế, Green Life Hạ Long đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng được du khách rất ưa thích. Khách nước ngoài, đặc biệt là các em học sinh rất thích khi đến với Green Life Hạ Long, bởi đến đây, các em chơi tô màu lên những bức tượng làm từ giấy bìa, hoặc được trải nghiệm tự tay làm ra những sản phẩm các em yêu thích từ những thứ tưởng như bỏ đi.
Những hoạt động tưởng chừng như rất nhỏ đó, nhưng đã lan tỏa được tinh thần “sống Xanh”, giảm thiểu rác thải nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ- bà Trần Thị Hương chia sẻ.
Một mô hình giảm rác thải nhựa gắn với sinh kế bền vững nữa là mô hình Chi hội Ve chai, tập hợp các anh chị em chuyên thu gom rác thải nhựa, rác thải rắn. Như Chi hội Ve chai do bà Nguyễn Thị Thể làm chủ, gồm 15 người, mỗi ngày thu gom phân loại từ 1 đến 2 tấn rác thải. Ở đây, sau khi rác thải được gom về, sẽ tiến hành phân loại theo tính chất sản phẩm, sau đó chở đi bán buôn cho các cơ sở tái chế.
Đánh giá về mô hình Chi hội Ve chai, ông Nguyễn Văn Đường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh- cho biết. mô hình này vừa tạo được kế sinh nhai cho người dân, vừa có tác dụng làm sạch môi trường, giảm được chi phí cho Nhà nước trong công tác vệ sinh môi trường thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, để giảm thiểu tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Dự án “xây dựng mô hình cộng động quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa ven biển Vịnh Hạ Long” do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, được Hội Nông dân tỉnh chủ trì triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Hạ Long từ đầu năm 2020.
“Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển của cán bộ chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, cũng như người dân đia phương. Các mô hình quản lý, thu gom, phân loại và xẻ rác thải tại hội gia đình, do dự án hỗ trợ bước dầu đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, khu dân cư địa bàn dự án”- ông Nguyễn Văn Đường khẳng định.
Tại hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa”, các chủ tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long cùng cam kết không thải rác nhựa xuống biển. Ông Đào Mạnh Lượng- Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long- cho biết, mặc dù du lịch mang lại rất nhiều nguồn lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng mang lại nhiều tác hại về mặt môi trường. Số lượng tàu du lịch đang vận hành trên các vùng biển, đảo ở Quảng Ninh rất lớn.
Hướng tới nền du lịch bền vững vừa mang lại lợi ích cho người dân địa phương, vừa bảo vệ môi trường, chúng ta cần phát huy hơn nữa và lan tỏa nhiều hơn nữa để nâng cao ý thức của người dân. Hội tàu du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Hạ Long. Chi Hội cũng là đơn vị tiên phong tham gia “Cánh buồm xanh”, theo đó các chủ tàu đều phải đặt được các tiêu chí du lịch bền vững. Hiện tại, đã có hơn 60 đơn vị tham gia phân loại rác thải- ông Đào Mạnh Lượng cho hay.
Tại hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa”, UNDP tại Việt Nam giới thiệu ứng dụng “Săn Rác” (http://sanrac.undp.org.vn) – một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên bản đồ “Săn Rác”, từ đó giúp chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời. |
Theo VietQ.vn
Chống rác thải nhựa- Nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Hạ Long (vietq.vn)