Trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, mức thuế 25% hiện đang áp dụng với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 30% vào ngày 1/10/2019 tới. Đồng thời Tổng thống Mỹ cũng quyết định tăng thuế từ 10% lên 15% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc từ ngày 15/12/2019. Động thái này của Tổng thống Mỹ nhằm đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế bổ sung đối với 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Trump đã thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với Trung Quốc trên hàng loạt dòng tweet của ông. Trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Câu hỏi duy nhất của tôi là giữa ông Jay Powell (Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) và Chủ tịch Tập (Cận Bình)”, ai là kẻ địch lớn hơn của chúng ta?”.
Thông điệp này được đăng tải không lâu sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 5-10% lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ và tái đánh thuế xe hơi Mỹ. Các mức thuế chia làm hai đợt là ngày 1-9 và ngày 15-12. Đây cũng là hai thời điểm các đợt thuế quan mới nhất của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc gặp tở Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: AP |
Trong những dòng tweet sau đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng ông đã yêu cầu các công ty Mỹ lập tức tìm đối tác khác thay thế cho các đối tác Trung Quốc, và nói rằng Mỹ “không cần Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tất cả các hãng vận tải, bao gồm Fed Ex, Amazon, UPS, Bưu điện, phải tiến hành rà soát và từ chối mọi đơn hàng từ Trung Quốc.
“Nhờ những thành quả trong 2,5 năm qua, nền kinh tế của chúng ta đã lớn hơn rất nhiều so với nền kinh tế của Trung Quốc. Và chúng ta sẽ tiếp tục duy trì điều đó!”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 9 tới, nhưng chưa có ngày nào được ấn định. Tuy nhiên, động thái đáp trả nhau mới nhất của cả Mỹ và Trung Quốc có thể khiến 2 quốc gia này khó đạt được thỏa thuận thương mại trong năm nay.
Theo ông Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc của Viện Hudson tại Washington, đồng thời là một trong những Cố vấn của Tổng thống Trump cho biết, Tổng thống Mỹ ngày càng thất vọng về hành động của Trung Quốc trong ba tháng qua, đặc biệt là sau khi các cuộc đàm phán diễn ra vào tháng 5 vừa qua.
“Ngoài việc áp thuế, trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ sẽ dùng rất nhiều cách để tăng áp lực với Trung Quốc như áp đặt nhiều rào cản để các công ty Mỹ ngừng làm ăn với Trung Quốc, cũng như cấm các công ty công nghệ bán một số sản phẩm cho người Trung Quốc”, ông Michael Pillsbury cho biết.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ có thể tăng thêm các rào cản đối với đầu tư của Trung Quốc hoặc nhắm vào nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc bằng cách thu hồi các lệnh miễn trừ cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu từ Iran và Venezuela.
Cảnh báo nhiều tín hiệu xấu
Ngay sau động thái nói trên của Trump, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp ở Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp Mỹ. Trong đó, Phòng Thương mại Mỹ cũng đưa ra những cảnh báo rằng, các doanh nghiệp Mỹ cần xem xét việc đầu tư và kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc trong thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang dẫn đến việc hàng loạt chi phí sẽ tăng lên.
Ông Rick Helfenbein, Chủ tịch của Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cho biết, trong hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp và cả những người dân Mỹ được hứa hẹn rằng Chính phủ sẽ có một cách tiếp cận mới và sáng tạo để thay đổi nền kinh tế, nhưng những gì nước Mỹ đang có là một chiến lược thương mại của những năm 1930. Đây sẽ là một thảm họa đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại, việc Mỹ leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc sẽ tạo thành một “ngọn lửa” lan sang các lĩnh vực khác. Hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang có những tranh chấp và đối đáp qua lại xung quanh các vấn đề địa chính trị tại khu vực châu Á như câu chuyện tại Biển Đông hoặc biểu tình tại Hong Kong… Và nếu ông Trump không xử lý khéo các vấn đề này, có nguy cơ dẫn tới xung đột quan sự giữa 2 nước này.
Giờ đây, mối quan hệ này dường như đối mặt thử thách lớn khi thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới leo thang. Đây cũng là tín hiệu xấu đối với nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận thương giữa hai nước.
Theo VnMedia