Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý- Khác biệt hóa và giá trị gia tăng cho nông lâm sản địa phương” diễn ra ngày 5/12/2022 tại Hà Nội thu hút gần 100 đại biểu là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người trực tiếp sản xuất đến từ các ngành hàng chủ yếu như ngành gia vị, dừa, điều trên toàn quốc.
Ông Đỗ Quang Huy- đại diện dự án BioTrade- dự án do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ cho biết, mục tiêu của dự án là ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và các bên liên quan trong ngành nông lâm sản nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý, tiếp cận quy trình đăng ký và sử dụng cũng như trao đổi về các lợi ích và giá trị gia tăng do chỉ dẫn địa lý mang lại, nhất là trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và xuất khẩu.
Hiện Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và tổ chức Helvetas Việt Nam đang triển khai dự án thương mại sinh học vùng- giai đoạn II (BioTrade SECO)- dự án được tài trợ bởi Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành nguyên liệu tự nhiên đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển chuỗi cung ứng bền vững, cải thiện quy trình xuất khẩu.
Tại hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, theo thống kê mới nhất đến ngày 30/11/2022, Việt Nam đã bảo hộ 125 chỉ dẫn địa lý, bao gồm 112 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong đó, một số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở nước ngoài nổi bật như: Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở EU, chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm quả thanh long được bảo hộ Nhật Bản, chỉ dẫn địa lý “Lục Ngạn” cho sản phẩm quả vải thiều được bảo hộ ở Nhật Bản…
Tuy nhiên, việc thiếu dấu hiệu nhận biết chung cũng như cách xây dựng hồ sơ cho các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam dẫn đến một số khó khăn trong quá trình quản lý và đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Tại hội thảo, TS. Lê Thu Hà- Giám đốc trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU thuộc Trường Đại học Ngoại thương cho biết, chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị và sản phẩm thương hiệu cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù của Việt Nam; đồng thời trao đổi, thảo luận trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc và thực trạng đăng ký chỉ dẫn địa lý của doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước để tìm ra giải pháp thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.
Thực tế hiện nay, trong công tác đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phần lớn các doanh nghiệp đều mắc phải lỗi kê khai chung chung, một số đơn vị còn đang gặp khó khăn hoặc làm chưa đúng đối với tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý, việc tóm tắt tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chưa được nêu bật.
Các đơn vị cần phải liệt kê đầy đủ tính chất đặc thù của sản phẩm để phân biệt với các sản phẩm cùng loại khác; thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý cụ thể của từng vùng…- đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh.
Theo VietQ
Chỉ dẫn địa lý tạo sự khác biệt và gia tăng giá trị cho nông lâm sản xuất khẩu (vietq.vn)
L