Cần làm rõ cơ sở khoa học việc áp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Cơ hội giao thương - Đề xuất mới của Bộ Tài chính áp Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường đang được lấy ý kiến rộng rãi. Các chuyên gia cho rằng, cơ sở khoa học của đề xuất này còn nhiều điểm cần phải xem xét.

Trong Dự thảo mới về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường. Theo dự thảo, đề xuất này là nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng.

Có thể thấy, Dự thảo này xuất phát từ nhận thức mặc nhiên cho rằng, nước giải khát có đường là nguyên chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì. Song cơ sở khoa học về nguyên nhân thừa cân béo phì như thế nào?

Nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì

Tại Diễn đàn kinh tế do Truyền hình quốc hội thực hiện ngày 18/7/2024, TS.BS Nguyễn Thị Lâm- Nguyên viện Phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, với những thông tin cập nhật nhất cho thấy, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì.

Diễn đàn kinh tế: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có giảm được thừa cân béo phì? diễn ra ngày 18/7/2024

Theo TS.BS Nguyễn Thị Lâm, thừa cân béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm: chế độ dinh dưỡng không hợp lý bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.

Báo cáo của WHO về thừa cân béo phì cũng như tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế năm 2022 (Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022) nêu rõ thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm: chế độ dinh dưỡng không hợp lý bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.

Một nghiên cứu cho thấy rõ sự liên hệ giữa thiếu hoạt động thể chất đối với thừa cân béo phì. Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiến hành năm 2018 cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%). Trong khi đó,  trẻ em khu vực thành thị lại ít thường xuyên tiêu thụ nước ngọt hơn so với trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Cũng theo Báo cáo trên, trẻ em khu vực thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao cũng là nhóm có hoạt động thể lực ít hơn trẻ em khu vực nông thôn.

Theo Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.

Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11 g/100 ml; thấp nhất trong số các sản phẩm có đường (trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/ 100g, một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g).

Rõ ràng, các thông tin cập nhật đều cho thấy hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì. Các yếu tố như thiếu vận động, mất cân bằng dinh dưỡng tỏ ra có tác động lớn hơn. Hơn nữa, TS.BS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Viện phó, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia chia sẻ, theo đánh giá của WHO thì tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam nằm trong vùng xanh, là 1 trong 10 nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp ở khu vực Đông Nam Á.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo- Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) “Chúng ta chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường. Đây là một trong những điểm cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp và có tính thuyết phục về việc thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường thì chúng ta mới có cơ sở để áp thuế cho mặt hàng đó”.

Chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường

Áp thuế TTĐB nước giải khát có đường không giảm tình trạng thừa cân béo phì  

TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết, thực tế cho thấy, việc đánh thuế TTĐB với các nước giải khát có đường tại một số nước chưa mang lại hiệu quả mong muốn, bởi người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng nước giải khát có đường nhưng lại tìm kiếm các nước giải khát khác cũng có đường như trà có đường, hoặc các nước ngọt từ hoa quả từ đường phố, nhất là trẻ em, học sinh các cháu tiêu thụ nhiều và giá thành cũng rẻ hơn”.

Chẳng hạn, tại Mỹ, bang California sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB với nước giải khát có đường thì người dân cũng tìm kiếm nước giải khát khác, và năng lượng đưa vào từ nước giải khát có đường chỉ giảm từ 6 Kcal Kilo calo nhưng năng lượng từ nước giải khát thông thường khác thì tăng lên 35 Kcal một ngày.

Thực tiễn một số nước sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường lại có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Như Chile có thời điểm áp dụng vào năm 2014, giai đoạn 2009 – 2010, tỷ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, đến giai đoạn 2016 – 2017, tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng, lần lượt là 30,3% và 38,4%.

Một số quốc gia châu Âu như Bỉ áp dụng năm 2016, năm 2014, tỷ lệ béo phì ở nam giới nước này là 13,9% còn ở nữ giới là 14,2%, nhưng đến năm 2019, tỷ lệ này ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%. Hay Mexico cũng áp dụng vào năm 2014, năm 2012, tỷ lệ béo phì ở nam giới là 26,8% còn nữ giới là 37,5%, nhưng đến 2018 – 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 30,5% ở nam giới và 40,2% ở nữ giới.

Một báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2014 cũng đã chỉ ra điều tương tự khi mà lượng tiêu thụ nước ngọt tại Pháp chỉ giảm 3,3%, trong khi giá sản phẩm đã tăng 5% do thuế. Điều này chứng minh việc thiếu hiệu quả khi sử dụng công cụ thuế để kiểm soát nhóm hàng này.

Một số nước đã phải từ bỏ công cụ này sau một thời gian áp dụng vì không có tác động đáng kể lên việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Theo báo cáo của WHO, cho đến nay, Đan Mạch và Nauy đã bãi bỏ sắc thuế TTĐB áp dụng với nước giải khát có đường. Chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương. 

Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%. Thông qua hai bộ luật có tên gọi là Shuku Iku và Metabo, Nhật Bản tập trung vào chính sách giáo dục dinh dưỡng và tăng cường vận động. 

Ông Đỗ Thái Vương- Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định “Về góc độ các doanh nghiệp trong ngành NGK, tôi cho rằng, các nước khác đã và đang áp dụng biện pháp có hiệu quả là biện pháp giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến lượng đường và calo nạp vào.

Như các chuyên gia y tế chia sẻ, lượng calo nạp vào có từ nhiều nguồn thực phẩm, đồ uống chứ không phải từ lượng đường. Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành đã và đang có đang có những sản phẩm ít đường hoặc những sản phẩm không calo, và cũng có nghiên cứu các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất. Bản thân ngành đã và đang triển khai các dòng sản phẩm mà tốt cho sức khỏe. Vấn đề mấu chốt ở đây chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao”.

Theo đánh giá sơ bộ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành, và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn.

Bên cạnh đó, chính sách thuế có tác động không nhỏ đến sức hút môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rất tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước. Về tổng thể, các doanh  nghiệp trong ngành NGK lúc này rất cần môi trường chính sách ổn định để tiếp tục phát triển, đóng góp vào nên kinh tế Việt Nam.

Theo VietQ.vn

Cần làm rõ cơ sở khoa học việc áp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường (vietq.vn)

(Visited 12 times, 1 visits today)