Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phong trào năng suất xanh

Cơ hội giao thương - Năng suất xanh mang đến các giá trị trong việc cải thiện năng suất, tăng trưởng bền vững và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Các định hướng này được phản ánh qua chiến lược cũng như các lợi ích của doanh nghiệp về lâu dài. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù khái niệm này đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng số lượng các cá nhân, tổ chức thực sự quan tâm và triển khai thì còn tương đối ít. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phong trào...

Cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Ông cũng là chuyên gia năng suất quốc tế đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ công, đã có rất nhiều đóng góp quan trọng về năng suất xanh tại Việt Nam trong những năm qua.

TS Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thưa Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục, ông đánh giá như thế nào về thực trạng áp dụng năng suất xanh của Việt Nam hiện nay?

Có thể nói khái niệm năng suất xanh gắn với cả một tổ chức là tổ chức Năng suất châu Á. Tổ chức Năng suất châu Á hình thành cách đây 60 năm và khi họ đưa ra khái niệm về năng suất, đưa ra các giải pháp về năng suất để hỗ trợ các nước thành viên thì họ đã gắn khái niệm năng suất xanh. Có nghĩa là năng suất phải gắn với phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Xuất phát điểm thì khái niệm năng suất xanh từ tổ chức châu Á là như vậy.

Việt Nam là thành viên của tổ chức năng suất châu Á, chúng ta cũng đã tham gia các phong trào năng suất xanh của tổ chức Năng suất châu Á cách đây 20 năm và cho đến thời điểm này có thể nói chúng ta là một trong những thành viên tích cực. Năm 2021, chúng tôi đã cùng với tổ chức Năng suất châu Á khảo sát 124 doanh nghiệp Việt Nam về hoạt động năng suất xanh cũng như hiểu biết của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.

Chúng tôi thấy rằng, trong 124 doanh nghiệp được khảo sát thì doanh nghiệp của chúng ta rất quan tâm đến hệ thống công vụ về năng suất gắn với bảo vệ môi trường. Ví dụ, hơn 50% doanh nghiệp quan tâm, áp dụng những tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ môi trường và khoảng 29% doanh nghiệp thực hiện áp dụng các hệ thống ISO 14.000 liên quan đến hệ thống bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu bảo vệ môi trường. Cùng với đó là 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống ISO 26.000 gắn với trách nhiệm xã hội. Khi chúng ta sản xuất kinh doanh thì gắn với trách nhiệm xã hội thì đây cũng là hình thức, hành vi bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, chúng ta có 7% doanh nghiệp bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn, ví dụ như BSI 801.000, đây là số liệu được khảo sát sơ bộ và chúng tôi đã cập nhật, báo cáo Tổ chức Năng suất châu Á vào cuối năm 2021.

Vậy theo ông, tại sao Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển năng suất xanh trong bối cảnh hiện nay?

“Chúng tôi thấy rằng, đấy là xu thế tất yếu. Có một giai đoạn chúng ta đẩy mạnh thúc đẩy năng suất như năng suất lao động, vừa rồi tập trung nhiều vào năng suất TSP làm sao để đưa khoa học công nghệ vào tăng năng suất và xu thế năng suất xanh cũng là xu thế của thế giới cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khi đến Việt Nam thì họ cũng đặt ra vấn đề là phải phát triển thúc đẩy các hệ thống công cụ năng suất xanh.

Chúng tôi thấy rằng, quá trình hội nhập của chúng ta đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu xu thế đó. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã rất tích cực xây dựng các hệ thống công cụ giải pháp về năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn, để hỗ trợ thúc đẩy cho doanh nghiệp.

Năng suất xanh được áp dụng ở Việt Nam hơn 20 năm, tuy nhiên chưa được áp dụng rộng rãi. Vậy theo ông, phát triển năng suất xanh đang gặp phải những khó khăn gì, đặc biệt là về cơ chế chính sách?

Hơn 20 năm trước, chúng ta đang phát triển năng suất xanh ở góc độ rất thô sơ, ví dụ như hệ thống tuần hoàn ở nông thôn, đấy chính là năng suất xanh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có sự tập trung các giải pháp đồng bộ để làm sao doanh nghiệp, các tổ chức hướng vào hệ thống công cụ đó. Hiện nay, chúng ta có các chiến lược xanh, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã hướng nhiều đến các hệ thống công cụ giải pháp.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thông tin và tuyên truyền làm sao cho người dân và xã hội, làm sao để tiếp cận giải pháp này. Thứ hai nữa là hệ thống chính sách của chúng ta phải đồng bộ từ vấn đề kinh doanh, xuất nhập khẩu, vấn đề tiêu chuẩn đo lường chất lượng, từ những vấn đề bảo vệ môi trường cần có sự liên thông, cần có những chính sách đồng bộ, đặc biệt chúng ta phải có những chính sách về tài chính để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phong trào năng suất xanh, để những sản phẩm tạo ra từ quy trình xanh, từ quá trình sản xuất xanh sẽ được sử dụng chúng ta cũng cần cơ chế tiêu thụ những sản phẩm, quá trình đó.

Như vậy, làm sao chính sách của chúng ta thể hiện sự tuần hoàn giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp áp dụng các hệ thống công cụ thì như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vào hệ thống của chúng ta.

Ông có thể đánh giá về hiệu quả mô hình áp dụng năng suất xanh tại châu Á cũng như là các nước thành viên của Tổ chức năng suất thế giới?

Tổ chức Năng suất châu Á có riêng một trung tâm xuất sắc về năng suất xanh đặt tại Đài Loan (Trung Quốc). Chúng tôi đã có dịp tham quan. Họ đưa ra tất cả hệ thống giải pháp cho các doanh nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc) nói riêng và doanh nghiệp trên thế giới nói chung áp dụng công cụ năng suất xanh. Ví dụ một số sản phẩm như bóng đèn khi đưa vào tái chế ở Đài Loan (Trung Quốc), họ có các chính sách về tài chính.

Khi những doanh nghiệp sản xuất bóng đèn tái chế thì sẽ được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi. Họ có những quỹ tái chế, quỹ năng suất xanh để hỗ trợ doanh nghiệp đó trong phần tái chế, và sản phẩm tái chế như bóng đèn thì cơ quan đầu tiên sử dụng là cơ quan của chính phủ, những cơ quan nhà nước. Như vậy chúng ta thấy rằng, sản phẩm tái chế của doanh nghiệp được đưa vào sử dụng ngay.

Ví dụ thứ hai là trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) đều tuần hoàn các sản phẩm trong hệ thống của họ. Như hệ thống chất thải đều có công ty xử lý chất thải trong khu công nghiệp, họ xử lý luôn và chất thải được sử dụng tái chế nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong khu đó.

Từ những vấn đề về nước thải, vấn đề về pin, cao su…, tất cả sẽ được tuần hoàn và họ có chương trình zero product- có nghĩa là tuần hoàn sản phẩm để bảo đảm quá trình sản xuất được tuần hoàn. Đây là mô hình hết sức cụ thể, họ có những chương trình để đào tạo cho từng lĩnh vực. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu tiếp cận sớm, chúng ta sẽ bắt kịp xu thế của thế giới trong vấn đề về năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn.

Theo ông, Việt Nam cần có những giải pháp gì để triển khai tăng năng suất xanh hiệu quả trong thời gian tới?

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 124 doanh nghiệp trong chương trình Tổ chức Năng suất châu Á, riêng ở Việt Nam, chỉ khoảng 52% doanh nghiệp mong muốn có những chương trình đào tạo về kỹ năng, đào tạo về giải pháp năng suất xanh. Các doanh nghiệp mong muốn có thể tham gia chương trình đào tạo, ví dụ như đào tạo ISO 14.000, ISO 26.000, PSI 801.000,… các hệ thống công cụ để chúng ta có thể tái sử dụng các nguyên liệu trong một tổ chức, doanh nghiệp. Đây là một trong những nhu cầu rất lớn.

Thứ hai là các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu hình thành các liên minh, số lượng này chiếm khoảng 24%. Liên minh ở đây là các doanh nghiệp cần hợp tác với nhau, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác, như vậy là vòng giá trị tăng lên rất nhiều. Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước phải đứng ra để xây dựng thể chế để cho doanh nghiệp tham gia các liên minh, tổ chức như vậy.

Chúng ta thấy có các liên minh về sản xuất bao bì, tái chế bao bì, được hình thành từ những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, qua khảo sát, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên chỉ có 6% doanh nghiệp mong muốn có những hỗ trợ về tài chính và công nghệ trong việc chuyển đổi mô hình xanh. Từ những kinh nghiệm bài học quốc tế, có thể thấy, cái chúng ta cần hiện nay chính là chương trình đào tạo về thực tiễn, hệ thống quản lý, các giải pháp về năng suất xanh, các giải pháp về kinh tế tuần hoàn để giúp cho doanh nghiệp áp dụng trong thực tiễn.

Tổng cục TCĐLCL sẽ triển khai những hoạt động gì nhằm thúc đẩy việc áp dụng năng suất xanh tại Việt Nam, thưa ông?

Với góc độ là cơ quan chuyên môn giúp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động về năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, điều đầu tiên chúng tôi cần là sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông để truyền thông, quảng bá về năng suất xanh, gắn với xu thế về kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững hiện nay.

Thứ hai, một trong những nhiệm vụ quan trọng là chúng tôi sẽ triển khai các chương trình đào tạo tập huấn ở trong nước và quốc tế. Trong nước, chúng ta có rất nhiều chuyên gia, nhiều cơ sở trung tâm đào tạo các hệ thống công cụ quản lý về năng suất xanh. Nước ngoài thì có sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất châu Á, Việt Nam là thành viên nên chúng ta có thể cử một đoàn đi học và Tổ chức năng suất châu Á sẽ hỗ trợ chúng ta. Chúng ta có thể học ở Nhật, ở Đài Loan (Trung Quốc) những thành viên rất tích cực trong triển khai phong trào năng suất xanh.

Thứ ba, chúng ta phải tập trung hỗ trợ các dự án điểm, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về Năng suất chất lượng 1322. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung các dự án điểm về năng suất xanh.

Cuối cùng, tôi nghĩ hết sức quan trọng đó là từ kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn, sẽ đề xuất các cơ quan thẩm quyền để xây dựng hình thành hệ thống về pháp luật, chính sách để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam tham gia phong trào năng suất xanh tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VietQ.vn

Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phong trào năng suất xanh (vietq.vn)

(Visited 16 times, 1 visits today)