Theo đó, NSW tại Việt Nam được chính thức triển khai từ tháng 11/2014, ban đầu chỉ với 1 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và 03 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ Giao thông vận tải chủ trì.
Sau hơn 3 năm (từ tháng 11/2014 đến hết năm 2017), kết quả đạt được đó là hạ tầng công nghệ thông tin ổn định, các vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản đã được giải quyết, nhận thức về tạo thuận lợi thương mại đã được nâng lên…
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì kết quả trên vẫn rất khiêm tốn. So với kế hoạch tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số lượng thủ tục triển khai mới chỉ đạt 16,5% (47/284 thủ tục). Thêm vào đó, đối với các thủ tục đã triển khai, việc thực hiện cũng chưa đi vào thực chất bởi vì bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn khá phố biến…
Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các nền tảng và phương thức quản lý mới xuất hiện tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho cộng đồng thương mại và Chính phủ.
Để đẩy nhanh việc triển khai NSW, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết, đặc biệt là tổ chức Hội nghị chuyên đề về thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại nhằm tạo ra những cú huých quan trọng để phát triển doanh nghiệp, kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ sau Hội nghị, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban 1899 và sự tích cực của các Bộ, ngành, số lượng thủ tục mới được triển khai tăng mạnh. Tính riêng 5 tháng cuối năm 2018 (từ ngày 24/7/2018 – 31/12/2018), các Bộ, ngành đã triển khai thêm được gần 100 thủ tục mới trên NSW, gấp 2 lần tổng số thủ tục hành chính trong hơn ba năm đầu triển khai NSW.
Như vậy, nếu trước năm 2018 mới chỉ có 47 thủ tục được triển khai thì tính đến hết năm 2018 đã có 150 thủ tục được triển khai qua NSW. Số lượng hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trên 1,8 triệu bộ hồ sơ và xấp xỉ 26 nghìn doanh nghiệp tham gia. Có thể nói Hội nghị đã tạo ra bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và trong triển khai NSW.
Theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều Bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kết nối của năm 2018. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải- đơn vị có số lượng thủ tục nhiều nhất (65 thủ tục và 10 thủ tục liên ngành) cũng là Bộ đầu tiên hoàn thành kết nối 100% thủ tục vào NSW từ ngày 1/12/2018. Các đơn vị như Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước cũng đã hoàn thành kế hoạch.
Đáng chú ý, ngoài các thủ tục hành chính đã được triển khai nêu trên, hiện còn có 22 thủ tục mới đã được kết nối và sẵn sàng triển khai trong tháng 1/2019.
Giai đoạn 2019 -2020: Áp lực rất lớn
Kết quả đạt được trong nửa cuối năm 2018 là rất lớn, số lượng thủ tục kết nối nhiều nhưng so với kế hoạch của năm 2018 thì vẫn còn 21 thủ tục đang trong giai đoạn triển khai. Số lượng thủ tục phải triển khai trong giai đoạn 2019 – 2020 còn nhiều.
Đặc biệt, hai năm tới việc triển khai không chỉ dừng ở số lượng thủ tục hành chính mà còn được nâng cấp triển khai dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua NSW thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua NSW được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng và các Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành cần vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý với các nội dung khẩn trương ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…
Thứ hai, tiến hành xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo hướng xử lý tập trung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Thứ ba, đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ, thông qua kế hoạch, triển khai đào tạo, tuyên truyền nằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm mục đích kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (bao gồm: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics…).
Thứ năm, xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, Kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan.
Theo VnMedia
(Visited 15 times, 1 visits today)