Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, trong các ngày 13 và 14/9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường”, tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị do chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) chủ trì tổ chức, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo một số nước ASEAN, Trung Đông, châu Âu; đại diện các tập đoàn, tổ chức quốc tế… Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và khám phá những cơ hội mới để tăng trưởng kinh tế.
Với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường”, hội nghị nêu bật những tiến bộ đáng chú ý đạt được thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hội nghị đã thu hút gần 6.000 quan chức chính phủ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân đến từ gần 70 quốc gia và khu vực.
Kể từ năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường trở thành nơi quy tụ các quan chức chính phủ cấp cao, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành từ các quốc gia trong nước và ngoài Khu vực Vành đai và Con đường để trao đổi hiểu biết sâu sắc về các cơ hội hợp tác đa phương phát sinh từ Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như khám phá các cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng ra đời từ năm 2013 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực trên 05 lĩnh vực quan trọng là: chính sách, giao thông, tài chính, thương mại và kết nối con người.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) Lý Gia Siêu.
Qua 10 năm hợp tác và phát triển, đến nay, Sáng kiến Vành đai và con đường đã thu hút sự tham gia, hợp tác của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế; hơn 3.000 dự án đã được triển khai trên toàn cầu với tổng số vốn gần 1.000 tỷ USD.
Phát biểu tại phiên thảo luận chính sách với chủ đề “Sáng kiến Vành đai và con đường – chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có vị trí “cầu nối” giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì vậy, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khung khổ Sáng kiến Vành đai và con đường có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ hai hành lang, một vành đai với sáng kiến vành đai và con đường.
Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện, lòng tin chính trị được củng cố vững chắc hơn, hợp tác, kết nối kinh tế giữa hai nước đã diễn ra mạnh mẽ. Về đầu tư, tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỷ USD. Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Kinh tế UAE.
Tại phiên thảo luận chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về tình hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba “khâu đột phá” chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Hợp tác Vành đai và con đường giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực đang được tiếp tục triển khai trong bối cảnh mới, với những nét đáng chú ý như Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ; Tái sắp xếp chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu, tạo cơ hội gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á; Kết nối kinh tế, mà trong đó kết nối thể chế, hạ tầng, kết nối con người là trọng tâm, đang trở thành xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Để Sáng kiến Vành đai và con đường tiếp tục là “chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực” thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số kiến nghị như: Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực cần tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Các quốc gia trong khu vực cùng đẩy nhanh phát triển, kết nối mạng lưới giao thông, nhất là mạng lưới đường sắt. Đồng thời, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản của các nước vào thị trường của nhau…
Đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Nhân dịp Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có các cuộc hội kiến với Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) Lý Gia Siêu; gặp Bộ trưởng Kinh tế UAE, làm việc với một số lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tại Hồng Kông (Trung Quốc) như Tập đoàn Sunwah, Tập đoàn Swire Pacific, Tập đoàn Jardine Matheson, Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông…
Trao đổi ý kiến với đại diện các doanh nghiệp, Bộ trưởng đã giới thiệu tình hình kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam; cho rằng Việt Nam đang hội tụ đủ yếu tố về chính trị ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào… đáng để các nhà đầu tư quan tâm. Mong muốn các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam cùng chia sẻ tầm nhìn, gắn kết với doanh nghiệp trong nước để cùng vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp Hồng Kông bày tỏ mong muốn đầu tư và hỗ trợ Việt Nam phát triển trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, đổi mới sáng tạo, bất động sản, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay… và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ nông dân Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Theo VietQ.vn