Bộ Công Thương: Dư địa thị trường cho khẩu trang vải lớn nhưng cần được tính toán thận trọng

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, thời gian qua ngành dệt may đã chứng minh được năng lực sản xuất vải kháng khuẩn và may khẩu trang đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch nội địa, thậm chí có dư địa xuất khẩu. Tuy nhiên, để coi đây là ngành sản xuất lâu dài, còn rất nhiều yếu tố cần tính đến.

Năng lực sản xuất dồi dào

Là cường quốc xuất khẩu dệt may thứ 3 thế giới, Việt Nam đã phải đối mặt với cú sốc nặng nề khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Một mặt, đại dịch gây đứt gãy chuỗi nguyên phụ liệu, chủ yếu về vải, bắt đầu từ thị trường nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc và lần lượt đến các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản,… 

Đến khi nguồn cung tại Trung Quốc dần khôi phục, thì dịch bệnh lại bao trùm lên nền kinh tế Mỹ, EU, khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam có 3.518 doanh nghiệp dệt và 6.961 doanh nghiệp may. Lao động ngành dệt mayđạt hơn 1,7 triệu người, trong đó lao động ngành may gần 1,5 triệu người (cả trực tiếp và gián tiếp).

Nếu năng suất may khẩu trang trung bình của 1 lao động là 150 chiếc/ngày, chỉ cần huy động 1/3 số lao động trong ngành để may khẩu trang, ngành may đã có thể cung ứng 75.000.000 khẩu trang/ngày. Nếu huy động 2/3 số lao động, ngành may có thể cung ứng tới 150.000.000 khẩu trang/ngày.

Sản xuất khẩu trang vải là cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19
Sản xuất khẩu trang vải là cơ hội để doanh nghiệp dệt may duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.

Sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 m2 vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày, theo số liệu Tổng cục Thống kê.

Nếu tính trung bình 1m2 vải sản xuất được 20 khẩu trang, thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu tính giả định toàn bộ vải dùng để may khẩu trang).

“Khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn và còn có dư địa nâng cao hơn nữa, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu”, Bộ Công Thương nhận định.

Bộ Công Thương nhận định năng lực sản xuất dồi dào trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch nội địa và thậm chí có dư địa xuất khẩu
Bộ Công Thương nhận định năng lực sản xuất dồi dào trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu phòng chống dịch nội địa và thậm chí có dư địa xuất khẩu

Bộ Công Thương phát huy vai trò kết nối sản xuất – phân phối

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải.

Vượt qua khó khăn về nguồn cung trong thời gian đầu, Bộ Công Thương cùng hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã thành công vào cuộc, tổ chức sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hợp lý, dần chủ động được nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm để cung ứng cho người dân.

Khi nhận định tín hiệu thị trường về nhu cầu khẩu trang vải tăng cao, các doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư vào khâu thiết kế, mẫu mã, chất liệu để nâng cấp, cải tiến sản phẩm này.

Sản phẩm khẩu trang vải cơ bản hiện nay là khẩu trang 2 lớp, trong đó có một lớp là vải kháng khuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cấp sản xuất các loại khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thể có thêm lớp vải kháng nước, chống giọt bắn.

Mẫu mã khẩu trang vải cũng được cải tiến về kiểu dáng, dây đeo, qua đó tạo khoảng không gian trước mũi, dễ thở hơn và không bị biến dạng trong thời gian dài mà vẫn đảm bảo khẩu trang vừa khít với khuôn mặt, nâng cao tác dụng che chắn, lọc khuẩn.

Cùng với tổ chức sản xuất khẩu trang hợp lý, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò kết nối của mình trong đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản xuất.

Thông qua hoạt động kết nối các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn như VinCommerce (chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+), Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp dệt may, chuỗi cung ứng khẩu trang đã được định hình rõ rệt. Các doanh nghiệp phân phối còn chủ động tăng đặt hàng khẩu trang vải nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh của người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) trao đổi với doanh nghiệp phân phối về kết nối chuỗi cung ứng khẩu trang trong nước phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) trao đổi với doanh nghiệp phân phối về kết nối chuỗi cung ứng khẩu trang trong nước phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19

Định hướng cho hoạt động xuất khẩu

Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường nội địa đang dần bão hòa, Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải.

Các thông tin này Bộ Công Thương đã đưa lên Cổng thông tin của Bộ tại địa chỉ www.moit.gov.vn để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể đăng ký tham gia kết nối với các Thương vụ và nhận thông tin về người nhập khẩu nước ngoài.

Dù vậy, trước nhiều câu hỏi đặt ra về “công xưởng sản xuất khẩu trang vải của thế giới”, thì Bộ Công Thương cho rằng cần tính đến nhiều yếu tố để có thể coi đây là ngành sản xuất lâu dài.

Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Thực tế, người dân tại nhiều nước trên thế giới vẫn chỉ biết đến và tin dùng khẩu trang y tế, nhu cầu khẩu trang vải liệu có thực sự lớn tại các thị trường này?
Thực tế, người dân nhiều nước trên thế giới vẫn chỉ biết đến và tin dùng khẩu trang y tế, nhu cầu khẩu trang vải liệu có thực sự lớn tại các thị trường này?

Công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

“Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.

Bộ Công Thương cũng lưu ý thêm, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Về khẩu trang y tế, theo quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép. Và nếu được cấp phép thì cũng chỉ cho xuất khẩu tối đa 25% sản lượng của doanh nghiệp. 

Quy định trên được đưa ra để dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở trong nước, đảm bảo có đủ trang thiết bị cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch, đồng thời dự trữ phục vụ nhu cầu lâu dài khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, số ca nhiễm tăng cao. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết.

Trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, các Bộ ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 79 times, 1 visits today)