Lường trước những phát sinh
Ngày 25/3/2020, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo (tại công văn số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ) giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, rà soát, đánh giá về nguồn cung thóc, gạo, tình hình xuất khẩu gạo để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.
Tiếp đó, Bộ Công Thương đã chủ trì làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương 2 lần xin ý kiến các Bộ, ngành. Ý kiến tham gia của các Bộ, ngành đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 4 năm 2020.
Sau khi Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực, ngày 10/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020. Theo đó hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo (mã HS 10.06) trong tháng 4 năm 2020 là 400.000 tấn.
Để phối hợp triển khai có hiệu quả, cùng ngày hôm 10 tháng 4, Bộ Công Thương có công văn số 2581/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, lường trước những vướng mắc, phát sinh có thể xảy ra, ngày 10 tháng 4, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã có các công văn số 361/XNK-NS gửi các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, và số 362/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong cả hai công văn 361, 362 đều nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, để cùng kịp thời trao đổi với các cơ quan hữu quan liên quan thống nhất phương án xử lý”.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo “tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và các trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ”.
Phối hợp với các bộ xử lý những phát sinh mới
Sau khi Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực, Bộ Công Thương nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi); cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…
Ngày 15/4/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2683/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính trao đổi về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020. Trong đó, Bộ Công Thương đã chuyển Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao đối với phản ánh, kiến nghị của các thương nhân xuất khẩu gạo.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020 đến thời điểm hiện nay để các thương nhân có thể nắm rõ hơn về quy trình triển khai nghiệp vụ hải quan và có thông tin chi tiết hơn về việc thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu.
Đối với ý kiến về xuất khẩu gạo nếp của doanh nghiệp thuộc 2 tỉnh An Giang và Long An, ngày 15 tháng 4 Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc số 2666/BCT-XNK gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và số 2681/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến liên quan đến diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại từng tỉnh Long An và tỉnh An Giang theo từng vụ.
Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Tài chính phông phản hồi thông tin), Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020 và trong thời gian tới nếu tiếp tục duy trì hạn ngạch.
Đồng thời, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, theo đó giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020, đồng thời triển khai công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện điểm 3 văn bản số 2827/VPCP-KTTH, Bộ Công Thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn kiểm tra, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Phan Văn Chinh – Phó Trưởng đoàn kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Trần Quốc Toản là thành viên.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn bao gồm các thành viên đến từ: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Bộ Công an; Hiệp hội Lương thực Việt Nam…
Từ 20 đến 24 tháng 4, Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng.
Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với các ý kiến mới, đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo sẽ được Bộ Công Thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 4 năm 2020.
Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều được công bố kịp thời, công khai, minh bạch để báo chí, các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện và đưa tin.
Theo Tạp chí Công Thương