Bất chấp Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng cao

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%. 

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 02 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2021 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%; hàng dệt may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,6%; sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%; thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%. 

Về xuất khẩu các mặt hàng hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản, tính chung 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 2 tháng đầu năm đạt 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. 

 

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 2 tháng đầu năm 2021, với mức giảm 50,3%, đạt 371 triệu USD. Nhìn chung các mặt hàng xuất khẩu trong nhóm này như: Dầu thô, xăng dầu, than đá, quặng và khoáng sản đều sụt giảm mạnh trong 2 tháng qua.

Theo Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 50,5%. Thị trường EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 3,4%. Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng 13,4%. Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD, tăng 1,1%.

Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD. Đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy Hiệp định Thương mại tự do Việt – Anh vừa có hiệu  lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 

Liên quan đến thị trường nhập khẩu, số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.

Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 đạt 41,76 tỷ USD, tăng 26,6%. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, đạt 10,86 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, 2 tháng đầu năm 2021 cũng tăng nhưng mức tăng trưởng chỉ ở mức 5,5%, đạt 2,73 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 30,7%; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh tăng 26,8%; xe máy, linh kiện, phụ tùng xe máy tăng 22,6%; đặc biệt bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng tới 58,2% do phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán… Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 14,5%; nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 13,9% về trị giá. 

Trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 17,2 tỷ USD, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,7%; thị trường ASEAN đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Nhật Bản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 1,1%; thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,0%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 3,2%. 

Theo VnMedia

(Visited 24 times, 1 visits today)