Chuyển biến tích cực trong bảo tồn nguồn lợi thủy sản
Tại buổi “Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản 6 tháng cuối năm 2022” diễn ra ngày 28/7/2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng cho biết, những năm qua, việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được coi trọng. Văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từng bước được hoàn thiện.
Các văn bản chỉ đạo điều hành được ban hành kịp thời, theo sát các vấn đề thực tiễn tại địa phương, như: bổ sung danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thuỷ sản; rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục khu vực cấm, hạn chế khai thác thuỷ sản có thời hạn; Xây dựng nội dung chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển; nội dung chính sách chuyển đổi nghề cho các hộ dân sống trong phạm vi khu bảo tồn biển và hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Một số địa phương đã xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi vùng ven bờ, vùng lòng hồ, góp phần phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng làm cơ sở phân bổ hạn ngạch trong khai thác thủy sản
Các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, đầu tư, tài trợ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trong cả nước- ông Nguyễn Quang Hùng cho hay.
Đối với công tác quản lý bảo tồn biển, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và hoàn thiện báo cáo thuyết minh “Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích vùng biển Việt Nam”. Hướng dẫn các địa phương hoàn thiện Hồ sơ thành lập Khu bảo tồn biển. Đến nay, đã có 10 địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển đến năm 2030.
Công tác thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được lan rộng đến rất nhiều tỉnh, thành phố sau hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã thả tổng số hơn 36 triệu con và 60.000 kg giống thủy sản các loại. Theo kế hoạch, trong năm 2022, cả nước dự kiến tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150.000 kg giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá Trà sóc, cá Thát lát cườm, cá He vàng, cá Lăng, cá Bỗng, cá Mú chấm đen, Tôm sú, Cua xanh.
Đặc biệt, sau khi Tổng cục Thủy sản có biên bản ký ghi nhớ với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến nay, đã có gần 20 địa phương ký biên bản ghi nhớ phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, công tác quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm cũng được tăng cường, như phối hợp với các tổ chức: HSI, IUCN, TRAFFIC Việt Nam triển khai hoạt động xây dựng trạm cứu hộ mini bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm, dự kiến đặt tại Quảng Trị/Hòn Cau/Đà Nẵng.
Tính đến tháng 6/2022, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với IUCN tập huấn và phát triển 674 được tình nguyện viên bảo tồn rùa biển; Tổ chức cập nhật báo cáo đánh giá tương đương với Luật bảo vệ thú biển (MMPA) của Hoa Kỳ nhằm duy trì ổn định các hoạt động thương mại xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các địa phương vẫn còn diễn ra, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa được triển khai thường xuyên.
Hệ thống tổ chức bảo tồn biển chưa đồng bộ, hiện nay mới chỉ có 3 mô hình. Một số địa phương đã quy hoạch bảo tồn biển nhưng chưa thành lập được ban quản lý khu bảo tồn biển do vướng quy định về tinh giảm biên chế. Nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, số lượng biên chế được phân bổ ít.
Mặt khác, Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở trung ương chưa được thành lập; nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác xây dựng và triển khai Quỹ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản giúp cho hoạt động trong lĩnh vực thủy sản phát triển một cách hài hòa; môi trường, sinh kế được bảo vệ, đời sống của cộng đồng ngư dân được đảm bảo. Đây chính là điều kiện để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.
Công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều địa phương. Nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm thì công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản phát triển.
Trước tình trạng khai thác, đánh bắt mang tính hủy diệt một số nơi vẫn còn diễn ra, Tổng cục Thủy sản thường xuyên phối hợp cùng với các địa phương triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
Cùng với đó là nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực thi quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy ở các địa phương, từng bước giảm các vi phạm và tiến tới chấm dứt; đồng thời nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành thủy sản về số lượng và chất lượng ở các địa phương.
Đặc biệt, mô hình “Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” đã phát huy được hiệu quả. Điển hình là tỉnh Bình Thuận- đây là địa phương thực hiện rất thành công mô hình đồng quản lý, mang lại hiệu quả cao. Do vậy, cần nhân rộng mô hình trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiến hành xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn