Bảo lãnh thông quan: Bài học của nhiều nước và lợi ích của Việt Nam

Cơ hội giao thương - Ngày càng nhiều quốc gia công nhận bảo lãnh thông quan (BLTQ) là một biện pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả…

Nhiều quốc gia đã áp dụng bảo lãnh thông quan

Hiện nay, tại một số quốc gia như Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt như kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công.

Bảo lãnh thông quan còn được áp dụng với các hãng vận tải quốc tế tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa.

Tại hội thảo về xây dựng cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, được Tổng cục Hải quan tổ chức sáng ngày 5/4/2019, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, ngày càng nhiều quốc gia công nhận bảo lãnh thông quan là một biện pháp tạo thuận lợi thương mại hiệu quả và giải pháp này từ lâu đã được đưa vào các hiệp định thương mại quốc tế với các tên gọi khác nhau như “cam kết bảo lãnh” (Surety) hay “công cụ đảm bảo” (security instruments) hay “một đảm bảo” (guarantee). Đây không phải là tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu nên có thể áp dụng theo nhiều hình thức và cách tiếp cận khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống pháp lý của mỗi nước và quyết định của các cơ quan quản lý.

Các quốc gia đang phát triển thường đưa ra rất nhiều loại bảo lãnh khác nhau dùng cho nhiều mục đích chi tiết khác nhau. Trong khi các quốc gia phát triển đã đi qua giai đoạn này và phát triển bảo lãnh thông quan ở mức tinh gọn hơn nhưng lại bao bao quát hơn ở nhiều lĩnh vực.

Nêu ví dụ tại một số nước, Tổng cục Hải quan cho biết, tại Canada, từ năm 1867, nước này đã sử dụng bảo lãnh thuế quan như là một công cụ để kiểm soát ngăn chặn buôn lậu và đảm bảo tính tuân thủ của các đối tượng tham gia; Các loại hình của bảo lãnh thông quan đều được Chính phủ Canada quy định rõ ràng trong pháp luật hải quan.

Một số loại hình bảo lãnh thông quan phổ biến được áp dụng tại Canada như: bảo lãnh trong quá trình vận chuyển, bảo lãnh ở kho ngoại quan, bảo lãnh giấy phép hoạt động của đại lý hải quan, bảo lãnh giải phóng hàng hóa, bảo lãnh hàng tạm nhập…

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống An toàn Sản phẩm từ năm 2012 với mục tiêu khắc phục tất cả những bất cập làm cản trở thông thương trong việc cấp giấy phép trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến các vấn đề sức khỏe, an ninh, môi trường…

Hàn Quốc cũng có bảo lãnh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên chỉ triển khai bảo lãnh để đảm bảo thanh toán thuế, phí và không yêu cầu bảo lãnh trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác. Bảo lãnh thuế của Hàn Quốc được sử dụng để chống lại thất thu thuế trong trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán, nhất là đối với trường hợp áp dụng chế độ hoãn nộp thuế (thuế nội địa, thuế hải quan…). Trong đó, với thuế nội địa, thời hạn bảo lãnh sẽ là thời hạn yêu cầu thanh toán của cơ quan thuế + 30 ngày và số tiền bảo lãnh phải lớn hơn 110% số tiền mà cơ quan thuế yêu cầu; với hải quan, số tiền bảo lãnh sẽ lớn hơn số tiền được cơ quan hải quan yêu cầu và thời hạn bảo lãnh là 15 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông quan.

Kenya – một quốc gia Châu Phi kém phát triển cũng đã có một hệ thống bảo lãnh thông quan khá hoàn thiện với nhiều loại bảo lãnh khác nhau, dùng cho nhiều mục đích khác nhau, như: Bảo lãnh chuyển tải, Bảo lãnh kho bãi, bảo lãnh Khu chế xuất, bảo lãnh hoạt động sản xuất, bảo lãnh tạm nhập,…

Đặc biệt, Hoa Kỳ qua gần 80 năm phát triển, Hệ thống bảo lãnh thông quan đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và cho tới ngày nay được xem là hệ thống tiên tiến nhất. Bảo lãnh thông quan của Hoa Kỳ không chỉ bảo lãnh về thuế phí mà còn bảo lãnh tất cả các nghĩa vụ chuyên ngành khác liên quan áp dụng trên lô hàng. Ở đó, tất cả các lô hàng nhập khẩu thương mại có trị giá từ 2,500 USD trở lên đều phải nhập khẩu dưới một bảo lãnh thông quan hoặc một hình thức đảm bảo phù hợp khác. Nhìn chung, với mức này, hầu như mọi lô hàng nhập khẩu thương mại vào Hoa Kỳ đều phải có bảo lãnh thông quan.

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) yêu cầu bảo lãnh để đảm bảo rằng nhà nhập khẩu hoặc bất kỳ bên liên quan nào trong lĩnh vực nhập khẩu sẽ tuân thủ mọi quy định của Hải quan cũng như của các cơ quan khác. Bảo lãnh phục vụ như một công cụ bảo vệ thực thi của các cơ quan chức năng, bảo đảm cả việc nộp thuế phí và tuân thủ với luật định liên quan.

Bảo lãnh thông quan sẽ đảm bảo cho tất cả các nghĩa vụ của nhà nhập khẩu xuyên suốt toàn bộ quá trình nhập khẩu hàng hoá, bao gồm cả hoạt động kiểm tra sau thông quan và các thanh kiểm tra khác để xác định tính chính xác của mã HS hay tính phù hợp của giấy chứng nhận xuất xứ – là những yếu tố có thể dẫn đến mức thuế tăng thêm. Ngay cả trong trường hợp nếu nhà nhập khẩu biến mất hoặc mất khả năng thanh toán cho CBP, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán theo bảo lãnh. Nghĩa vụ chấm dứt khi CBP thanh lý tờ khai nhập khẩu.

 

Ông Robert S.Kielbas – Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển Toàn cầu Tập đoàn Bảo hiểm Roanoke cho biết: Tại Hoa Kỳ, hệ thống bảo lãnh thông quan là một phần quan trọng mang đến thành công trong lĩnh vực hoạt động thương mại hải quan và được coi như “tiêu chuẩn vàng” của thế giới. Cơ quan Hải quan có thể thông quan hàng hóa ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu thương mại, cùng lúc đó phân loại và tạm hoãn việc ra quyết định đối với mặt hàng chịu thuế, không chịu thuế, và những gì đủ tiêu chuẩn thông qua. BLTQ là một công cụ quan trọng để tạo thuận lợi thương mại và dòng chảy thương mại xuyên biên giới.

Nhân viên hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: T.Bình

Lợi ích của Việt Nam khi triển khai bảo lãnh thông quan

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo Tổng cục Hải quan, mục tiêu của việc triển khai áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên; Tạo thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được thông quan, giải phóng nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp;

Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan, giảm thiểu rủi ro do việc không chấp hành pháp luật về thuế, về hải quan, về chính sách kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua việc sử dụng một công cụ bảo lãnh mới để đảm bảo việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp; chuyển việc quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan chờ thông quan cho tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo hiểm;

Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bảo lãnh thông quan hàng hóa nhập khẩu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa được lựa chọn tổ chức bảo lãnh có uy tín, thuận lợi, chi phí cạnh trạnh để đứng ra bảo lãnh cho thông quan hàng hóa với cơ quan hải quan.

Tổng cục Hải quan cho rằng, lợi ích từ bảo lãnh thông quan là khá lớn. Theo đó, giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

 Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, họ sẽ đảm bảo hàng hóa XNK phải đáp ứng các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường, thậm chí là khi đến tay người tiêu dùng. Việc sử dụng bảo lãnh thông quan cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí hành chính, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của các Bộ, ngành.

Đối với doanh nghiệp, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia GATF tại Hoa Kỳ thì bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.

Ông Eric Miller – Cố vấn Cấp cao Dự án BLTQ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được GATF triển khai dự án vào năm 2016 và giữ nguyên vị trí tiên phong cho toàn bộ sáng kiến này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc thiết kế một chương trình thí điểm BLTQ vào tháng 9/2018. Nhóm dự án đang làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân và các công ty XNK để chuẩn bị chương trình thí điểm.

“Chúng tôi tin rằng các giải pháp cụ thể để triển khai chương trình thí điểm sẽ sớm được trình Quốc hội xem xét trong thời gian sắp tới. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất vừa cố gắng tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo sự an toàn, an ninh cũng như nguồn thu ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, BLTQ củng cố các quy trình đánh giá rủi ro thông qua việc huy động cộng đồng bảo hiểm tham gia giám sát để xác định những công ty nào tuân thủ nghiêm túc pháp luật”, ông Eric Miller nói.

(Visited 21 times, 1 visits today)