Áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón: Hài hòa các lợi ích, tác động tích cực tới nền kinh tế

Cơ hội giao thương - Nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; tác động tích cực đến nền kinh tế, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước và cả ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa có Công văn số 516/CV – THNNVN gửi Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội kiến nghị áp dụng thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón.

Quy định hiện hành gây nhiều bất cập

Theo Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế 71 và nhiều biến số đã ảnh hưởng khá lớn đến giá phân bón ở Việt Nam. Hàng loạt bất cập đã nảy sinh, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón trong nước.

Áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới 

Thứ nhất, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước sụt giảm do hai lý do: Một là do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư.

Hai là việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm.

Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế GTGT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Cụ thể, trước năm 2015, có 6 dự án sau đi vào sản xuất, với tổng công suất giai đoạn này đạt hơn 3,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sau năm 2015, số dự án giảm sút hơn một nửa, tổng công suất giảm hơn 9 lần, chỉ còn 380.000 tấn/năm.

Thứ ba, việc áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu khi phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT đầu vào.

Kiến nghị áp dụng thuế VAT 5% với phân bón

Việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% là phù hợp với bản chất của thuế GTGT trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra. Việc này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam khi sửa đổi Luật Thuế GTGT (mở rộng phạm vi chịu thuế để đảm bảo tính hệ thống).

Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, kiến nghị điều chỉnh chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5% dựa trên đánh giá tác động tổng hợp đến nền kinh tế, bao gồm: tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước; tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; tác động đến nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Thứ nhất, nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi, nên có thể sẽ giảm giá phân bón.

Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.

Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học… sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Theo phân tích của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng, khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.

Tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay, TS Phùng Hà- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam- cho rằng, lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân.

Khi áp thuế VAT 5% với phân bón, nông dân sẽ mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm. Nếu mua phân bón nhập khẩu thì sẽ chịu giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

“Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón”- TS Phùng Hà cho hay.

Theo các chuyên gia, việc áp thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuế bình đẳng giữa nhà sản xuất phân bón trong nước và nhà nhập khẩu phân bón, loại trừ cạnh tranh bất lợi cho sản xuất nội địa; tạo nền tảng giảm giá phân bón, giảm chi phí phân bón cho người sản xuất nông nghiệp.

Áp thuế VAT 5% với phân bón phù hợp xu hướng quốc tế

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Brazil, Nga) đang áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhằm giảm chi phí sử dụng phân bón, thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phân bón nội địa.

Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 11%.

Tại Nga – một trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới: phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 20%.

L

(Visited 6 times, 1 visits today)