Thị trường chứng khoán châu Á chịu tác động trực tiếp từ những thông tin xấu
Những ngày vừa qua, nền toàn cầu đã “rúng động” bởi thông tin Mỹ – Trung liên tục đáp trả lẫn nhau bằng việc áp thuế lên hàng hóa của nhau. Theo các nhà phân tích các bước đi “ăn miếng trả miếng” này của hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới Mỹ và Trung Quốc là cú giáng mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, ngày 23/8, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế quan mới lên 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời nối lại việc áp thuế quan bổ sung lên ôtô Mỹ. Kế hoạch này sẽ được chia thành hai phần, một phần thực thi từ ngày 1/9, một phần thực thi từ ngày 15/12.
Ngay sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 5% và 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, gần như toàn bộ 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế hải quan cao hơn từ nay đến cuối năm.
Đăng tải trên dòng Tweet ngày 23/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, cần phải tái cân bằng mối quan hệ thương mại bất công với Trung Quốc. Cụ thể hóa cho tuyên bố này là việc từ ngày 1/10 tới, 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế trừng phạt 30% so với 25% như hiện nay. Ngoài ra 300 tỷ USD hàng hóa còn lại sẽ bị đánh thuế cao 15% thay vì 10% bắt đầu từ ngày 1/9.
Trong những dòng Tweet sau đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng ông đã yêu cầu các công ty Mỹ lập tức tìm đối tác khác thay thế cho các đối tác Trung Quốc, và nói rằng Mỹ “không cần Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tất cả các hãng vận tải, bao gồm Fed Ex, Amazon, UPS, Bưu điện, phải tiến hành rà soát và từ chối mọi đơn hàng từ Trung Quốc.
Chịu tác động trực tiếp từ các tuyên bố này, thị trường chứng khoán châu Á đã giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sáng 26/8.
Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có lúc giảm 2%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật sụt 2,3%. Cùng với đó, các thị trường chủ chốt khác trong khu vực gồm chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc cũng để mất hơn 1% điểm số; Hang Seng của Hồng Kông có lúc giảm 3%; Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1,3%; ASX 200 của Australia “bốc hơi” hơn 1,5%.
Bên cạnh thị trường chứng khoán, tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sáng nay cũng trượt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 11 năm so với đồng USD, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh. Theo đó, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD tại thị trường Trung Quốc đại lục có thời điểm giảm 0,6% trong phiên sáng nay tại thị trường châu Á, xuống mức 7,15 tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008.
Xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ còn diễn biến phức tạp
Theo các chuyên gia, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ còn phức tạp và kéo dài dai dẳng. Xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo IMF, có thể giảm khối lượng thương mại toàn cầu 0,5%.
Trong khi đó, theo dự báo của OECD, chi phí thương mại sẽ tăng lên 10% cho tất cả các mặt hàng, đồng thời với tình hình tài chính thắt chặt và giá dầu tăng sẽ dẫn tới tăng trưởng GDP giảm còn 2% và 3,5% vào năm 2019 và 2020. Mỹ và Trung Quốc là hai đối trọng thương mại lớn của nhau.
Đối với Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc cũng là đối tác chính trong thương mại chung và thương mại nông lâm thủy sản. Vì vậy, theo các chuyên gia, xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu rộng cả trực tiếp và gián tiếp đến nông nghiệp Việt Nam, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các tác động của xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể kéo dài dai dẳng và phức tạp. Do đó cần phải có đối sách cẩn trọng, linh hoạt, khôn khéo, ứng biến phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích toàn cục của quốc gia.
Về dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành theo định hướng giá trị gia tăng và bền vững. Tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do đã ký. Tăng cường đàm phán, ký kết các Nghị định thư về an toàn thực phẩm cho các sản phẩm có lợi thế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu nông sản sang các thị trường.
Hiện, Trung Quốc là một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với quy mô dân số tầng lớp trung lưu ngày càng cao (400 triệu dân). GDP đạt 90,0309 nghìn tỷ NDT (tương đương với 13.600 tỷ USD), tăng 6,6% so với năm 2017. Năm 2018, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) và là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 8 của Việt Nam.
Theo VnMedia
(Visited 14 times, 1 visits today)