Trung Đông, châu Phi – thị trường mở cho doanh nghiệp Việt
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Triển vọng hợp tác và phát triển thương mại tại khu vực Trung Đông – châu Phi” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương tổ chức.
Hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như tránh được những rủi ro xảy ra khi giao dịch với thị trường Trung Đông và châu Phi.
Nói về tiềm năng của hai khu vực trên, bà Phạm Hoài Linh – Phó trưởng Phòng Tây Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Đông có 15 nước (trong đó có 10 nước đã là thành viên WTO) với dân số khoảng 320 triệu người (số liệu năm 2015), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 2,2% (GDP 2018 là 3,452 tỷ USD).
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam – Trung Đông đạt 13,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 8,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5,1 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực này với Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau.
Do điều kiện tự nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, hầu hết các nước Trung Đông phải nhập khẩu số lượng lớn, đến 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm (tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm) và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
Riêng thị trường Việt Nam, trong năm 2018, các nước Trung Đông nhập khẩu 958 triệu USD các mặt hàng nông sản, thực phẩm (hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê, chè, hải sản, rau quả, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc).
Ngoài các mặt hàng, thực phẩm, nông sản, thủy sản, Trung Đông còn có nhu cầu nhập khẩu cao các loại hàng hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… – đây là thị trường lớn, mở, và còn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Hoài Linh nhấn mạnh.
Cụ thể, các thị trường tiềm năng như: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhập khẩu khoảng 80% lương thực, nông sản, thực phẩm. Trong đó, Việt Nam đã có hơn 100 mặt hàng tại thị trường này, nhiều nhất là sản phẩm chanh không hạt (chiếm 85% thị phần). Về thủy hải sản, UAE nhập khẩu đến 75%.
“Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng chính là “trạm trung chuyển” hàng hóa lớn nhất khu vực Trung Đông và châu Phi, là nơi đặt trụ sở, chi nhánh của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới nên rất thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tại đây cũng như tái xuất sang các quốc gia khác”, bà Phạm Hoài Linh lưu ý.
Phân tích thế mạnh, tiềm năng tại thị trường châu Phi, bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á, châu Phi – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường này có đến 55 nước, với dân số 1,3 tỷ người.
Đây là khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng sản xuất chưa phát triển, do đó nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực rất lớn. Mặt khác, đây cũng là nơi cung cấp các nguyên liệu thiên nhiên và nông sản thô phục vụ ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam.
Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất sang châu Phi gồm: Gạo, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, dệt may, giày dép, hạt tiêu, máy móc thiết bị, sản phẩm sắt thép… và nhập từ châu Phi hạt điều nguyên liệu, bông, gỗ, nguyên phụ liệu và thức ăn gia súc.
Đáng chú ý, mặc dù nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác nhưng hiện nay Việt Nam đang nhập siêu từ châu Phi gần 1 tỷ USD mỗi năm.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, tiềm năng xuất khẩu vào châu Phi còn rất lớn, gạo, cà phê, tinh bột sắn sẽ là những sản phẩm mà châu Phi có nhu cầu cao trong những năm tới với mức tăng mỗi năm từ 10 – 20%.
Tuy nhiên đây cũng là khu vực thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh, thói quen thanh toán. Ngoài ra, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc phát triển thị trường châu Phi gặp khó khăn.
Nghiên cứu thị trường để hạn chế rủi ro
Bên cạnh những thuận lợi đến từ hai thị trường lớn Trung Đông và châu Phi, đại diện Bộ Công Thương cũng cảnh báo, các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào khu vực Trung Đông, châu Phi cần tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ thị trường châu Á – châu Phi cho rằng, có 2 rủi ro mà doanh nghiệp thường gặp phải đó là rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C và doanh nghiệp gặp phải tình trạng lừa đảo.
Thực tế, việc giao dịch giữa các doanh nghiệp hai nước thường diễn ra trên mạng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin đối tác.
Năm 2018, Bộ công Thương cũng đã xử lý một số trường hợp. Có một số đối tượng ở khu vực Trung Đông lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam bằng thủ đoạn lập trang web công ty giả. Sau đó, những đối tượng này yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam gửi mẫu sang và yêu cầu trả chi phí kiểm tra 2.000 – 3.000 USD.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các đối tượng này biến mất và không thể liên lạc được nữa, phải rất nhiều tháng sau, các doanh nghiệp Việt Nam mới biết, mình đã chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp “ma” hoặc chuyển tiền vào một tổ chức lừa đảo”.
Ngoài ra, bà Phương cũng lưu ý, nhiều doanh nghiệp đối tác ở thị trường Trung Đông thường xuyên đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng, nhưng mọi chi phí thay đổi này hoàn toàn phía các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu.
Để tránh tình trạng này, bà Phương khuyến nghị, doanh nghiệp tìm hiểu đầy đủ thông tin về các đối tác, thị trường, chính sách xuất khẩu, cùng với đó tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm chuyên ngành…
“Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng các nước”, bà Phương cảnh báo.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn. Trong quá trình đàm phán thực hiện hợp đồng doanh nghiệp cần đưa ra những điều khoản chặt chẽ tránh trường hợp bị đối tác ép giá.
Bên cạnh đó, cần tận dụng triệt để kênh kiểm tra đối tác, có thể thuê đội ngũ tư vấn ngay tại Việt Nam để thẩm tra xem những đối tác đó có phải là các doanh nghiệp giả mạo hay không, hoặc có thể thông qua kênh đại sứ quán ở tại các nước đó để tìm hiểu cụ thể thông tin về các đối tác mà mình đang kết hợp.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng mạnh mẽ thì việc khai thác những khu vực thị trường còn nhiều dư địa và phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam như Trung Đông, châu Phi là hết sức quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, để khắc phục những sự khác biệt và tránh rủi ro, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, có chiến lược kinh doanh phù hợp để hạn chế rủi ro và phát huy thế mạnh của mình trong việc chinh phục thị trường.
Theo Tạp chí Công Thương