Tại Hội thảo “Hướng tới tăng trưởng có chất lượng trong giai đoạn 2021 – 2030: Các phương án chính sách và ưu tiên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đó là, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên; thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực.
Bên cạnh đó, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, do tác động không thuận của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan mà kết quả phát triển kinh tế – xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều hạn chế.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cần bắt kịp hoặc sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau. “Mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi. Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ousmane Dione, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất – như robot, in 3D, sản xuất thông minh – tại các nền kinh tế khan hiếm lao động và ở Trung Quốc có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu. Những điều này cũng có thể tạo ra những cơ hội mới để bắt kịp công nghệ nhanh hơn và thậm chí nhảy vọt.
Tuy nhiên, ông Ousmane Dione cũng cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập kỷ tới.
Những lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi cơ cấu – công nhân chuyển từ hoạt động nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất và dịch vụ với năng suất cao hơn – đang diễn ra và sẽ kết thúc một cách tự nhiên.
Tiền lương đang tăng lên và sẽ bắt đầu làm xói mòn lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam tại những phân khúc có giá trị gia tăng tương đối thấp, và sử dụng nhiều lao động trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, mặc dù có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ.
“Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là những cơ hội vàng của Việt Nam, vì các tài liệu này sẽ định hình lộ trình phát triển của đất nước trong thập kỷ tới. Chúng ta không thể bỏ lỡ những cơ hội này. Thập kỷ này là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam khi phải đương đầu với những thách thức mới, tìm con đường hiện thực hoá tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Theo VnMedia
(Visited 27 times, 1 visits today)