Đổi mới công nghệ – thế mạnh lớn của Italia
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm tập trung xây dựng và phát triển vào các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ cao, cơ sở hạ tầng và máy móc thông minh… ngày 5/6/2019, tại Hà Nội, Thương vụ Italia (ITA), phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Xúc tiến và phát triển các cơ hội mới về giao thương, đầu tư và hợp tác công nghệ giữa Italia và Việt Nam, chung tay hướng tới phát triển bền vững và đổi mới”.
Hội thảo đã mang đến cho Chính phủ hai nước và các doanh nghiệp những cơ hội lớn để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng mà Italia có chuyên môn và khả năng cao.
Giới thiệu những thế mạnh, lĩnh vực mà Italia có khả năng chuyên môn cao, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, Italia có rất nhiều lợi thế để tăng cường quan hệ kinh doanh với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới công nghệ.
Đây là một thế mạnh để Italia hỗ trợ Việt Nam phát triển bởi, hiện nay, Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn với nền công nghiệp thông minh. Đó là một hệ thống giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tái sử dụng và tái chế là các yếu tố sẽ được đặt lên hàng đầu.
Thủ tướng Giuseppe Conte nhấn mạnh, Việt Nam có 1 vị trí kép, vừa có thể là thị trường tiêu thụ cũng vừa có thể là đối tác sản xuất của các doanh nghiệp Italia trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Khẳng định một lần nữa những thế mạnh sẵn có, ông Carlo Ferro – Chủ tịch ITA nhận định: “Hiện nay Việt Nam cũng chú trọng phát triển sản xuất với chi phí thấp với hàm lượng công nghệ ngày càng cao, quan tâm đến số hoá trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Italia có 800 viện nghiên cứu công nghệ cao hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển trong bối cảnh yêu cầu một mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với xu hướng thân thiện môi trường là chủ trương quan trọng của Chính phủ.
Hiện Việt Nam chú trọng thu hút FDI một cách chọn lọc, và định hướng FDI đến những lĩnh vực có công nghệ cao, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Mỗi năm Việt Nam cần thêm 25 tỷ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng và không thể đầu tư bằng nguồn vốn ODA như trước kia nữa mà phải thông qua hợp tác công tư.
Với định hướng đầu tư mới đó, các nước phát triển trong đó có Italia sẽ trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam bởi các doanh nghiệp Italia nắm giữ nhiều công nghệ hàng đầu thế giới, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Kinh tế – lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng đều. Năm 2016 đạt 4,7 tỷ USD; năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD; năm 2018 đạt 4,67 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào Italy đạt 918 triệu USD.
Hiện Italia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN. Tính đến hết năm 2017, Italia đứng thứ 32/128 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 86 dự án đầu tư, tổng số vốn là 388 triệu USD. Đầu tư của Italia tại Việt Nam chủ yếu trong các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.
Trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia, kinh tế luôn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau nên không mang tính cạnh tranh mà mang tính hợp tác. Bên cạnh đó, kinh tế hai nước đều dựa trên doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm. Đây là lợi thế lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước, trong đó, cơ hội dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa Italia tiếp cận những thị trường mới cũng rất lớn.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước thời gian qua tăng vượt bậc, gấp 3 lần trong 10 năm qua (từ 1,5 tỷ USD năm 2009 lên hơn 4,6 tỷ USD năm 2018). Dự kiến, con số này đạt 5 tỷ USD vào năm 2019 và lên 6 tỉ USD năm 2020 và 10 tỉ USD vào các năm sau đó.
Dư địa hợp tác trong quan hệ Việt Nam – Italia còn rất lớn và sẽ được khai thác tích cực trong thời gian tới, nhất là sau chuyến thăm chính thức nước Việt Nam của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong hai ngày 5 và 6/6/2019, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Italia Giuseppe Conte đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Italia tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyến thăm kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Theo Tạp chí Công Thương