Hàng loạt quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ tháng 6

Cơ hội giao thương - Mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước phải đặt cọc từ 10 - 20%; Lương nhân viên thí nghiệm trong trường trung học từ 3,1 triệu/tháng; Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ 20.000 đồng/lần… là những quyết định sẽ có hiệu lực từ tháng 6 này.

Mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước phải đặt cọc từ 10 – 20%

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTC Hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Theo đó, tiền đặt cọc của nhà đầu tư (NĐT) được quản lý như sau: NĐT công chúng phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá mở sổ. Đối với NĐT chiến lược, số tiền đặt cọc, ký quỹ phải bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

Tiền đặt cọc sẽ được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần; nếu số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền cần thanh toán thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho NĐT trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc thời hạn thanh toán.

Thời hạn thanh toán là 10 ngày, kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ. Trường hợp NĐT không thanh toán đủ tiền mua cổ phần đúng hạn, NĐT sẽ không được trả lại tiền đặt cọc.

Thông tư 21/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 03/6/2019.

Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ 20.000 đồng/lần

Theo Thông tư 23/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo…phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh: 300.000 đồng/lần.

Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ: 20.000 đồng/lần; Lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy; Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy; Giấy phép mang các loại đạn vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: 50.000 đồng – 150.000 đồng/giấy, tùy số lượng viên đạn…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/6/2019

Săn bắn, giết động vật rừng trái phép bị phạt đến 400 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt các hành động săn bắn động vật hoang dã. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/6/2019.

Nghị định nêu rõ, hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 5 triệu đến 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.

Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh có thể bị phạt từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng. Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 500 triệu đồng và với tổ chức có cùng hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng.

Lương nhân viên thí nghiệm trong trường trung học từ 3,1 triệu/tháng

Thông tư 08/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 17/6/2019.

Theo Thông tư này, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nhân viên thiết bị, thí nghiệm được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Cụ thể, đối tượng viên chức này được xếp lương từ bậc 1 (hệ số 2,1) đến bậc 10 (hệ số 4,89). Nếu tính theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2019 thì mức lương dao động từ 3.129.000 đồng/tháng – 7.286.100 đồng/tháng.

Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã

Từ ngày 25/6/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo Nghị định này, đối với cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm hai người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm hai người); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm hai người).

Ngoài ra, Nghị định 34 còn sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Cụ thể, về nội dung, hình thức thi tuyển công chức, theo quy định hiện hành sẽ thi viết môn kiến thức chung và môn chuyên ngành. Sẽ có hai vòng thi, thi trắc nghiệm môn kiến thức chung (vòng 1) và thi phỏng vấn hoặc thi viết môn chuyên ngành (vòng 2).

Về điểm cộng ưu tiên trong tuyển công chức cấp xã, thay vì cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm thi thì theo quy định mới, điểm ưu tiên sẽ được cộng vào điểm thi vòng 2.

Theo VnMedia

(Visited 17 times, 1 visits today)