Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đấu thầu dịch vụ công

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Tài chính, với những quy định mới trong Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/4), các doanh nghiệp (DN) sẽ có nhiều cơ hội để tham gia đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công hơn.

Tại buổi họp báo chuyên đề “Giới thiệu Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên” được Bộ Tài chính tổ chức ngày 29/5.

Tạo công khai minh bạch trong việc sử dụng ngân sách nhà nước

Phát biểu tại buổi họp, ông Phạm Văn Trường – Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).

Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các chủ trương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó có nội dung đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị SNCL) có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ do Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá.

Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính
Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính
Nghị định số 32/2019/NĐ-CP cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước.

Cũng theo ông Trường, để đảm bảo thực hiện được ngay các quy định tại Nghị định, tránh việc phải chờ văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo hướng quy định chi tiết các nội dung, không giao cho các Bộ hướng dẫn chi tiết thêm. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định đã quy định cụ thể: Mẫu Quyết định đặt hàng và Biên bản nghiệm thu đặt hàng; Mẫu Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN (hoặc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) và Biên bản nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, ông Trường cho biết.

Nghị định giúp đẩy mạnh đấu thầu nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách

Trả lời câu hỏi của PV về việc Nghị định 32 có thúc đẩy các đơn vị tự chủ hay không khi một trong những mục đích chính hướng đến của Nghị định là đẩy mạnh xã hội hoá thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tuy nhiên trong báo cáo về tiết kiệm chống lãng phí, hiện chỉ có 7% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn và 20% là tự chủ một phần? Ông Phạm Văn Trường cho biết, đây là 1 trong những quan điểm và giải pháp mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu rõ, đó là đẩy mạnh đấu thầu đặt hàng để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Qua đó, khuyến khích, thúc đẩy tạo sức ép đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các đơn vị nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công với chi phí và chất lượng tốt nhất.

Đây được xem là giải pháp đổi mới cả về phương thức lẫn cơ cấu đầu tư cho đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước. Và đương nhiên sẽ thực hiện được việc tiết kiệm, chống lãng phí cho NSNN.

Ông Trường cho biết thêm, so với Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg thì Nghị định 32 có tính ưu việt đó là kế thừa việc giao nhiệm vụ đặt hàng đấu thầu cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định cụ thể các điều kiện để thực hiện. Việc triển khai Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg đã được thực hiện từ khá lâu nhưng kết quả triển khai còn hạn chế, ít cơ quan dịch vụ thực hiện theo phương thức đặt hàng đấu thầu. Khi chuyển sang Nghị định 32 thì việc triển khai thực hiện trong thời gian ban đầu sẽ có những khó khăn đối với các cơ quan khi mà phải sắp xếp việc tổ chức triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công theo 3 hình thức: giao nhiệm vụ – đặt hàng – đấu thầu với số lượng rõ hơn. Thay vì trước đây giao dự toán rõ ràng đến từng đơn vị thì giờ là đấu thầu, các đơn vị chủ quản thực hiện phải tổ chức sắp xếp lại.

“Như vậy bước đầu sẽ khó khăn. Nhưng khi triển khai thực hiện vào nề nếp thì việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi hơn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước”, ông Trường chia sẻ.

Theo VnMedia

(Visited 22 times, 1 visits today)