Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho biết, từ cuối quý I/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng cho nền kinh tế bắt đầu ngay trong tháng 3, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời cân đối với các chỉ tiêu vĩ mô khác, đặc biệt là lạm phát. Vì vậy, trong tháng 4, hoạt động cho vay đã được thúc đẩy mạnh hơn.
Tính đến ngày 19/4/2019, dự nợ tín dụng của nền kinh tế ước tăng 3,23% so với cuối năm 2018 – tăng 1,5 điểm % so với tháng 3/2019, song vẫn thấp hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2018 – cho thấy khả năng giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2019 là hoàn toàn có thể đạt được.
Cũng theo Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia, cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất ổn định, tỷ giá tăng nhẹ
Liên quan đến lãi suất ngân hàng, Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho biết, mặc dù một số ngân hàng thương mại có động thái tăng lãi suất kỳ trung hạn và dài hạn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, song tính riêng trong tháng 4/2019, mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,5%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6%-7,3%/năm. Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Riêng về tỷ giá, trong tháng 4 vừa qua, tỷ giá trung tâm có xu hướng tăng nhẹ so với các tháng trước. Tính đến ngày 29/4/2019, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.028 VND/USD.
Trên thị trường tự do, với các yếu tố hỗ trợ nh: sự suy yếu của đồng USD trên thị trường thế giới cùng với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất từ cuối tháng 1/2019, trong khi nguồn cung USD có tính mùa vụ khá dồi dào, dữ trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng,… đã khiến cho tỷ giá USD/VND giao dịch tự do khá ổn định trong tháng qua.
Tại thời điểm ngày 29/4/2019, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do duy trì ở mức khoảng 23.280, tương đương với mức giao dịch trong tháng 3/2019.
Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cho rằng, trong những tháng tới, với sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của Mỹ (từ thắt chặt quyết liệt sang xem xét khả năng ngừng tăng lãi suất trong năm 2019) sẽ khiến đồng USD khó tăng giá mạnh trong quý II/2019. Trong khi đó, hầu hết đồng tiền của các nước mới nổi tại châu Á đều có xu hướng hồi phục trở lại so với USD. Trong đó, mạnh nhất là Rupiah của Indonesia (2,7%), tiếp đến là CNY Trung Quốc (2,5%), Bath của Thái Lan (2,3%) (tính đến cuối tháng 2/2019).
Ở trong nước, Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia cũng nhận định, kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng với nền tảng vĩ mô ổn định, quan hệ cung – cầu ngoại tệ ở trạng thái tích cực như quý I/2019, dự trữ ngoại hối có xu hướng tăng dần là các điều kiện đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp và ổn định thị trường.
Với những phân tích trên, Ban Dự báo kinh tế vĩ mô – Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc gia dự báo, tỷ giá USD sẽ duy trì quanh mức 23.200 đồng.
Theo VnMedia
(Visited 9 times, 1 visits today)