Không chỉ tiêu thụ, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị LNG toàn cầu

Cơ hội giao thương - Trong bối cảnh các nước phát triển đang dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)- loại nhiên liệu ít phát thải, an toàn và có khả năng tích hợp linh hoạt với các công nghệ xanh của tương lai- sẽ ngày càng gia tăng. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiêu thụ, mà còn có thể tham gia vào chuỗi giá trị LNG toàn cầu.

Nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ngày càng gia tăng

Ngày 22/5/2025, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia -NIC (thuộc Bộ Tài chính) phối hợp với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)” nằm trong khuôn khổ Chương trình “Hợp tác chia sẻ giải pháp cho các ngành công nghiệp tương lai”.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về định hướng chuyển đổi năng lượng, xu hướng phát triển năng lượng xanh và ngành LNG trên thế giới và Việt Nam. Chia sẻ kiến thức và chuỗi giá trị LNG, mở rộng cơ hội kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong chuỗi giá trị LNG. Đồng thời, chia sẻ các thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực LNG.

Ông Đỗ Tiến Thịnh- Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia: phát triển điện lực phải đi trước một bước và có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Quang Hùng 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh- Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia- cho biết, điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước và có tầm nhìn dài hạn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững các ngành công nghiệp, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, tự chủ của các quốc gia.

Với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào than đá, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời khai thác hiệu quả vai trò trung gian của khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)- một loại nhiên liệu ít phát thải, an toàn và có khả năng tích hợp linh hoạt với các công nghệ xanh của tương lai.

Ông Keithe Mark Doten- Giám đốc Tư vấn giao dịch PWC Việt Nam- phân tích, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, từ 2026-2030 sẽ tăng khoảng 7%, do vậy, nhu cầu điện để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội sẽ phải tăng 10-12%/năm.

“LNG có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. LNG sẽ hỗ trợ xây dựng các trường học, bệnh viện, và thu hút đầu tư nước ngoài. Khi có các cơ sở LNG thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thậm chí sẽ hỗ trợ thu hút phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam xây dựng các trung tâm dữ liệu, bởi các trung tâm dữ liệu cần lượng LNG đủ lớn để vận hành”- ông Keithe Mark Doten cho hay.

Ông Keithe Mark Doten- Giám đốc Tư vấn giao dịch PWC Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Kim Liên

Tập đoàn Hàn Quốc mong muốn đồng hành cùng Việt Nam chuyển dịch năng lượng

Các đại biểu tham dự hội thảo đã làm rõ vai trò của LNG trong Quy hoạch điện VIII, giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp LNG, đồng thời thảo luận về các thông lệ quốc tế trong đầu tư và mô hình hợp đồng, hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả lĩnh vực này tại Việt Nam.

Ông Song Soohwan- Giám đốc Thương mại LNG của Tập đoàn SK của Hàn Quốc- doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh đã cập nhật tổng quan về ngành LNG toàn cầu; phân tích chuỗi giá trị LNG và làm rõ các đặc điểm, cơ cấu hợp đồng phổ biến trong lĩnh vực này.

Với thế mạnh toàn diện trong chuỗi giá trị năng lượng mới và LNG, Tập đoàn SK đã chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và giới thiệu các mô hình triển khai quốc tế trong ngành công nghiệp LNG.

Ông Song Soohwan: Tập đoàn SK mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình chuyển dịch năng lượng 

“Thông qua hội thảo và chương trình hợp tác, Tập đoàn SK mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”- ông Song Soohwan chia sẻ.

Ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết, theo nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới, LNG giúp giảm từ 30 đến 40% lượng khí thải CO₂ so với than đá, đóng vai trò là “cầu nối” trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước phát triển đang dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu với LNG- nguồn năng lượng được xem là sạch hơn- sẽ ngày càng gia tăng. Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiêu thụ LNG mà còn có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực LNG, từ dịch vụ kỹ thuật, logistics đến phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, phát triển LNG cũng có nhiều khó khăn, thách thức, như nhà đầu tư cần hiểu về công nghệ, các thông lệ quốc tế khi đầu tư vào lĩnh vực này, hay mức đầu tư và vận hành hiện nay cao hơn các nhà máy nhiệt điện truyền thống, như theo đánh giá của McKinsey là cao hơn 1.2 đến 1.6 lần.

Trong chương trình hợp tác lần này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) giữ vai trò là đầu mối kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, giới nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành LNG tại Việt Nam.

“NIC tập trung xây dựng hệ sinh thái năng lượng sạch thông qua tổ chức các hoạt động chia sẻ tri thức, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác quốc tế, nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, cập nhật các vấn đề xu hướng mới trong ngành và thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các bên, góp phần thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của Chính phủ’- ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/khong-chi-tieu-thu-viet-nam-co-the-tham-gia-vao-chuoi-gia-tri-lng-toan-cau-d233507.html

(Visited 8 times, 1 visits today)