Sáng 22/4, Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Tài chính, phối hợp với Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân (VPCA), Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures và Do Ventures tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là vốn tư nhân, nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy các ngành công nghệ tiên phong.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Diễn đàn VIPC năm nay là sự kiện nối tiếp diễn đàn hàng năm về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Viet Nam Venture Summit). Trải qua 4 kỳ tổ chức thành công, chuỗi diễn đàn đã thu hút gần 10.000 đại biểu, hơn 120 diễn giả quốc tế và hàng trăm quỹ đầu tư, tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
“Diễn đàn từng bước góp phần định vị Việt Nam là điểm đến tiềm năng của dòng vốn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á, hiện thực hóa tiềm năng thu hút các quỹ đầu tư tư nhân và tổ chức tài chính quốc tế, tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ tại Việt Nam. Sự kiện cũng khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính luôn đồng hành, đối thoại với các nhà đầu tư, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về đổi mới sáng tạo khi hợp tác, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ như NVIDIA, Marvell, Google, Meta, Cadence, Qualcomm, Siemen… theo đó, thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu; chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục tăng và được xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong bối cảnh hiện hay, các công nghệ và ứng dụng được nghiên cứu, phát triển một cách nhanh chóng và áp dụng ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới, cho phép các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội tận dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới nhất.

Các đại biểu tham dự sự kiện. (Ảnh: Đức Minh)
Theo đó, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang đặt yêu cầu cao về chuyển đổi số toàn diện trong mọi ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành.
Ngoài ra, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Tài chính là cầu nối hiệu quả, tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động, sáng kiến để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái toàn cầu.
Ông Vinnie Lauria, Hội đồng quản trị của VPCA cho rằng, sự kiện được tổ chức nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu vào thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển then chốt; đồng thời kỳ vọng, sự kiện trở thành “điểm hẹn” chiến lược, nơi niềm tin gặp gỡ của các nguồn vốn đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự hấp dẫn và khả năng phát triển vượt trội. Năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 25,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam đang trở thành điểm đến ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và startup sẵn sàng IPO như VNG, The CrownX, và Momo.
Song song với đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra kế hoạch phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại các thành phố trọng điểm nhằm mở rộng chiều sâu thị trường vốn và thu hút thêm dòng vốn tổ chức quốc tế. Đây là bước đi chiến lược để khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm tài chính – đổi mới sáng tạo khu vực, với nền tảng nội lực vững chắc và kết nối sâu rộng toàn cầu.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, VIPC 2025 là cơ hội để Việt Nam khẳng định chiến lược quốc gia phát triển theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế. Với vai trò đồng tổ chức, NIC đã kêu gọi cộng đồng đầu tư đồng hành phát triển các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và năng lượng xanh.
VIPC 2025 có các phiên thảo luận về các ngành trọng tâm, đồng thời công bố chính sách và tầm nhìn của Việt Nam tới bạn bè, nhà đầu tư quốc tế, chia sẻ về cơ hội thoái vốn, cơ hội phát triển xuyên biên giới trong các lĩnh vực fintech, AI và deep tech… Qua đó, phản ánh tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong vai trò trung tâm đổi mới khu vực, đặc biệt trong sản xuất công nghệ cao, phát triển thị trường vốn và mở rộng kinh doanh xuyên biên giới.

Tại Diễn đàn VIPC 2025, NIC và VPCA đã ký loạt biên bản ghi nhớ (MoU) song phương với ba hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á
Tại Diễn đàn VIPC 2025, NIC và VPCA đã ký loạt biên bản ghi nhớ (MoU) song phương với ba hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á, bao gồm: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc; Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Singapore; Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc). Ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên tới 5.000 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên các tổ chức gọi vốn tư nhân chính của châu Á chính thức liên kết, tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.
Sáng kiến này sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ sinh thái và mở rộng nguồn vốn lên gấp nhiều lần trong những năm tới. Đây là cánh cửa mới cho startup Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho các nhà đầu tư tại châu Á dẫn dắt nguồn vốn tư nhân trong khu vực,” bà Lê Hoàng Uyên Vy- Chủ tịch VPCA và Giám đốc quỹ Do Ventures nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC, diễn đàn tiếp tục khẳng định vai trò là kênh kết nối chính sách giữa nhà nước và khu vực tư nhân, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược với các kết quả hướng tới là: Thúc đẩy vai trò của vốn tư nhân trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Thiết lập nền tảng đối thoại chính sách thường niên giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ; Tăng cường kết nối giữa Chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; Công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2025 và Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm.
Theo đó, VIPC Summit 2025 sẽ là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả và bền vững. “Sự kiện quy mô lớn này hướng tới mục tiêu thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trụ cột then chốt trong chiến lược tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn tư nhân chính là đòn bẩy quyết định để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo”- ông Vũ Quốc Huy cho hay.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/vipcs-summit-2025-thuc-day-thu-hut-dong-von-dau-tu-vao-cong-nghe-chien-luoc-d232606.html