Ngày 23/12/2024, tại Yên Bái- một trong những tỉnh bị bão Yagi tàn phá nặng nề, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn ‘Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai’.
Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” mở ra những hướng đi mới để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi bền vững trước thiên tai.
Thông tin về thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão gây ra, Nhà báo Lê Trọng Đảm- Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam- chia sẻ, bão kéo theo hoàn lưu gây mưa lớn trên diện rộng đã tạo ra những đợt lũ lịch sử trên các lưu vực sông ở miền Bắc. Nhiều bản làng, đô thị chìm sâu trong nước. Sạt lở diễn ra khắp miền Bắc. Hệ thống đê liên tiếp gặp những sự cố lớn nhỏ. Hàng vạn ngôi nhà, cơ sở sản xuất, công trình nước sạch, thủy lợi bị phá hủy, hư hại. Bão gió, mưa lớn, ngập lụt cũng xóa sổ nhiều diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao bè nuôi trồng thủy, hải sản, cây lâm nghiệp của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, hạ tầng lưới điện, hệ thống cây xanh đô thị bị gãy đổ la liệt.
Thông tin cụ thể, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho hay, bão Yagi và hoàn lưu mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái, 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3. Riêng với ngành nông nghiệp, bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã làm 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại…
Riêng ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, tràn bờ ngập lụt khoảng 33.527 ha, ước thiệt hại khoảng 6.180,254 tỷ đồng và thiệt hại về tàu cá khoảng 20,72 tỷ đồng. Với ngành chăn nuôi, thiệt hại ước tính của toàn bộ 22 địa phương về chăn nuôi khoảng trên 11 ngàn tỷ đồng.
Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây ra trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế. Trong đó, riêng tỉnh Yên Bái bị thiệt hại hơn 6000 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 10%.
Nhà báo Lê Trọng Đảm- Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
“Những con số thống kê thiệt hại về vật chất và tính mạng của người dân khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy ám ảnh!”- Nhà báo Lê Trọng Đảm chia sẻ.
Khôi phục sản xuất, phục hồi sau thiên tai
Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng chống thiên tai- cho biết, qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, cố gắng ở mức cao nhất để bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn trên thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT): cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai
Việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp cũng được triển khai rộng khắp và nhanh chóng. Đây là nguồn lực to lớn để hỗ trợ các địa phương và bà con tái thiết, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Cụ thể, gần 50 doanh nghiệp hoạt động trong ngành chăn nuôi đã quyên góp hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau bão.
Ngành thủy sản đã kết nối doanh nghiệp nhằm hỗ trợ vật liệu làm lồng, bè, xuồng, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho người dân bị thiệt hại nhằm khôi phục sản xuất. Hỗ trợ quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Ngành đã huy động được số tiền tương đương là 110.136.000.000 đồng để hỗ trợ khôi phục nuôi trồng thủy sản.
Ngành trồng trọt đã hỗ trợ hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia kịp thời, theo quy định. Tổng lượng giống đã xuất cấp là 300,09 tấn hạt giống cây trồng các loại, cấp cho các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái.
Với sự vào cuộc của toàn Đảng toàn dân, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp những thôn làng, những vùng đất tang thương.
Tăng cường khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan
Tại Diễn đàn, nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài đã được chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Vương- Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt cho biết, năm 2025 tiếp tục được dự báo là có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Thêm vào đó, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.
“Vì vậy, trong năm 2025, các địa phương cần khẩn trương xây dựng sớm kế hoạch sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước”- ông Vương nói.
Bà con Thái Nguyên khôi phục sản xuất trong vụ đông sau bão Yagi. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ông Lê Quang Hưng- chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản nhấn mạnh, để ngành thủy sản phục hồi bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: rà soát vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan. Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi. Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Để công tác ứng phó, tăng cường khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng chống thiên tai- Nguyễn Văn Tiến cho rằng, công tác xây dựng và cập nhật hệ thống cảnh báo sớm, thông tin kịp thời tới người dân là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai…
“Công tác dự báo cực kỳ quan trọng, sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại tối đa do thiên tai gây ra. Trong công tác ứng phó thiên tai, cần phải xác định phòng là chính, trong đó, nâng cao năng lực nhận định tình hình tại cơ sở, cấp xã, thôn; đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và địa phương, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ giúp xây dựng một cộng đồng an toàn, bền vững, sẵn sàng thích ứng với những thách thức mà biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt đặt ra”- Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh.
Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” không chỉ là nơi tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn mà còn mở ra những hướng đi mới để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi bền vững trước thiên tai.
Những chia sẻ, giải pháp thiết thực tại Diễn đàn sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay xây dựng các mô hình phòng chống thiên tai hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-va-phuc-hoi-ben-vung-truoc-thien-tai-d228949.html