Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đưa ra tại cuộc họp đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới ngày 4/12/2024.
Nông lâm thủy sản đóng góp lớn vào thặng dư thương mại
Theo Thứ trưởng Tiến, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 năm 2024 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm 2023; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 11 tháng đầu năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nông sản tiếp tục dẫn đầu với giá trị 29,78 tỷ USD, tăng 23,2% so với năm trước. Thủy sản và lâm sản cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể, lần lượt đạt 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%) và 15,59 tỷ USD (tăng 19,6%). Ngành chăn nuôi, sau nhiều năm gặp khó khăn, đã bắt đầu có sự cải thiện rõ nét với kim ngạch xuất khẩu đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến: mục tiêu xuất khẩu đạt trên 60 tỷ USD năm 2024 là hoàn toàn khả thi
Ngành thủy sản đạt giá trị xuất khẩu 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,69 tỷ USD, giảm 5,7%; giá trị xuất khẩu muối đạt 5,3 triệu USD, tăng 2,7%.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 năm 2024 đạt 444,9 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 5,31 tỷ USD, tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu rau quả cũng có sự tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 năm 2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chủ yếu tăng trưởng, các địa phương đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, tập trung phát triển đàn lợn và gia cầm nhằm bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp lễ, Tết cuối năm.
“Tổng đàn lợn cả nước tính đến tháng 11/2024 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định cho các dịp lễ, Tết”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Sản xuất lâm nghiệp tương đối ổn định, sản lượng gỗ khai thác tăng; rừng được trồng mới, chăm sóc và bảo vệ. Nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng nuôi thâm canh, siêu thâm canh, trong khi các hoạt động khai thác được phục hồi do điều kiện thời tiết thuận lợi nên sản lượng thủy sản tăng.
Thặng dư thương mại ngành nông lâm thủy sản trong 11 tháng đạt 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lâm sản, thủy sản và nông sản tiếp tục là ba nhóm hàng chủ lực, đạt mức thặng dư lớn nhất. Tuy nhiên, nhóm đầu vào sản xuất và sản phẩm chăn nuôi vẫn đối mặt với tình trạng thâm hụt, phản ánh những thách thức tồn tại trong ngành.
“Thành tựu này là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu Halal đã tạo động lực phát triển bền vững”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023
Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Halai
Xét theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%.
Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường châu Âu tăng trưởng cao nhất, tới 30,4%, tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là hai thị trường lớn, giữ vai trò chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam với thị phần 21,7%, và Trung Quốc với thị phần là 21,6%.
Với kết quả đạt được trong 11 tháng năm 2024, mục tiêu xuất khẩu đạt trên 60 tỷ USD vào cuối năm 2024 hoàn toàn khả thi. Kết quả này không chỉ góp phần tăng trưởng GDP mà còn hỗ trợ ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế nông thôn”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định,
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NNPTNT chia sẻ, chúng ta đang phấn đấu để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Halal. Đây là thị trường khó tính với những yêu cầu rất cao, lại có những khó khăn đặc thù, nhưng cũng là thị trường có đầy cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam dần chinh phục và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhằm tăng cường xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.
“”Thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận khi xuất khẩu các sản phẩm như thuốc, vaccine thú y và thịt gà vào thị trường Halai”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với việc đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, giá trị nông lâm thủy sản của Việt Nam trong tương lai sẽ còn tăng trưởng vượt bậc, góp phần khẳng định vị thế nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/11-thang-thang-du-thuong-mai-nganh-nong-lam-thuy-san-dat-1646-ty-usd-d228273.html