Liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ

Cơ hội giao thương - Xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các bên là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất, chế biến với phân phối tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, chưa chặt chẽ, chủ yếu thương vụ mua bán, còn thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ.

Sáng 29/8/2024, “Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội với mục đích nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin của người nông dân về các chính sách, quy định và các cơ hội hợp tác trong chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ.

“Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” sáng 29/8/2024 tại Hà Nội

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm…

Ông Nguyễn Như Tiệp nhận định, Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng đầu, vị thế quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm thế giới: đứng thứ ba về sản xuất và xuất khẩu gạo (sau Ấn Độ và Thái Lan), thứ ba về sản xuất và xuất khẩu thủy sản (sau Trung Quốc và Na uy); thứ hai về sản xuất và xuất khẩu cà phê (sau Brazil); Top đầu về Chăn nuôi gia súc, gia cầm (thứ nhất về gia cầm, thứ hai về thủy cầm, và thứ năm về chăn nuôi lợn)

Hiện Việt Nam đang đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm đủ, đa dạng, an toàn, chất lượng cho người dân trong nước và XK sang hơn 190 quốc
gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch trên 53 tỷ USD- ông Nguyễn Như Tiệp cho hay.

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng chỉ ra rằng, giá thành, chi phí sản xuất, giá vật tư nông nghiệp, logistic còn ở mức cao; liên kết sản xuất, chế biến với phân phối tiêu dùng chưa chặt chẽ, vẫn chủ yếu là thương vụ mua bán, thiếu cơ chế hợp tác và chia sẻ…

Đưa ra giải pháp phát triển bền vững thị trường nông nghiệp, ông Tiệp kiến nghị, cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; Hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn với chuẩn mực quốc tế;. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất kinh doanh, vận chuyển.

Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi số, AI phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái (hữu cơ, tuần hoàn…). Tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ; chuẩn hóa chất lượng làm cơ sở xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu và truyền thông, quảng bá nâng cao uy tín nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tại Diễn đàn, ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia Việt Nam chia sẻ về tài trợ chuỗi cung ứng nông sản Việt. Theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng nông nghiệp, nông thôn gần đây đang tăng khá cao, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng tam nông cuối năm 2023 đạt 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng dư nợ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn rất nhỏ trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá, khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023. Ông Cấn VAawnn Lực cho biết, năm 2023, các ngân hàng thương mại chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%, chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính chưa tham gia nhiều vào thị trường khiến nguồn cung bị phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế về năng lực quản trị, về tài chính, công nghệ, khó để chứng minh khả năng hoạt động.

Đưa ra các giải pháp để khuyến khích HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, ông Ngô Sỹ Đạt – Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường và chế biến nông sản cho rằng: “Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX trong công tác đào tạo nghề, quản trị, phát triển phương án sản xuất kinh doanh”.

Ngoài ra, ông Đạt cũng nhấn mạnh yếu tố khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với HTX nhằm hình thành mô hình sản xuất gắn với công nghệ cao.

Về cơ chế chính sách tham gia liên kết, ông Đạt cho rằng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn về sản xuất, chứng nhận, mã số vùng trồng, giảm phát thải, phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm chuỗi.

Ông Nguyễn Quốc Toản- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chuỗi giá trị nông nghiệp phải hướng đến sản xuất xanh tiêu dùng xanh, kinh tế, tiêu dùng số, chú ý đến truy xuất nguồn gốc, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp….

Để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, theo ông Toản, phải quan tâm mạnh mẽ đến các HTX, và việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các DN trẻ, khởi nghiệp; cùng với đó, các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ, phát triển thương hiệu nông sản.

Theo VietQ.vn

Liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp còn thiếu cơ chế hợp tác, chia sẻ (vietq.vn)

(Visited 16 times, 1 visits today)