Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Chủ trì cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng 6,93%. Mức tăng này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Với mức tăng trưởng tích cực của GDP quý II/2024, GDP sáu tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin tại buổi họp báo.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%., khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của việc cải cách tiền lương từ 01/7 tới lạm phát, lo ngại hàng hóa “té nước theo mưa”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.
Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.
Việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.
Tuy nhiên, hiện tượng hàng hóa tăng giá khi lương tăng vẫn xảy ra. Nhằm chặn giá hàng hóa “té nước theo mưa” để việc tăng lương có ý nghĩa, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần thực hiện một số giải pháp.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.
“Tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo”- đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Theo VietQ.vn
Tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý cùng thời điểm tăng lương 1/7/2024 (vietq.vn)