Tận dụng công nghệ số, thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Cơ hội giao thương - Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và tập trung khai thác.

“Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” diễn ra ngày 27/6/2024 tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới. Diễn đàn do Amazon Global Selling phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Xây dựng môi trường chính sách, hướng tới thành công xuyên biên giới

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thông tin, cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.

Trình bày Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định trong thời gian qua cùng với đầu tư, sản xuất, thương mại nội địa, dịch vụ. Cùng đó, xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá và bền vững.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trình bày Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030

Theo ông Trần Thanh Hải, định hướng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 là phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hoá và tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, chủ động điều chỉnh nhịp độ nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu. Đặc biệt, Chiến lược tập trung vào đa dạng hoá thị trường, khai thác hiệu hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặt khác, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng.

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Ngoài ra, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước; quản lý và kiểm soát nhập khẩu. Bê n cạnh đó, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; nâng cao vai trò các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hạt nhân.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh định hướng chính sách thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến giai đoạn 2026-2030, cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.

Tọa đàm định hướng chính sách phát triển TMĐT xuyên biên giới Việt Nam 

Mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu trực tuyến Việt Nam với các sáng kiến hợp lực

Tại Diễn đàn đã diễn ra Tọa đàm về chính sách năng động, tập trung thảo luận vào việc xây dựng và thúc đẩy các quy định, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài biên giới một cách liền mạch, hiệu quả, bền vững.

Tham gia chính trong phiên thứ ba của diễn đàn, Amazon Global Selling Việt Nam đã cung cấp cho khách tham dự diễn đàn bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Doanh nghiệp Việt trên Amazon trong những năm vừa qua, đồng thời giới thiệu về các chương trình, dịch vụ đổi mới và cải tiến không ngừng từ Amazon để khai thác tiềm năng sản xuất, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu toàn cầu phù hợp với nhu cầu đặc biệt của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Gijae Seong- Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn, và Amazon là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo thống kê của Amazon, hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.

Các tiếp cận đa diện của Amazon Global Selling và các chuyên gia trong Diễn đàn đã củng cố cam kết vững chắc trong việc định hình tương lai TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam.

Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership cho biết, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 ngàn tỷ đồng vào năm 2027.

Các đại biểu tham dự khai mạc Diễn đàn TMĐT xuyên biên giới 2024 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, cũng như những vấn đề trong việc thực thi, thực tiễn hay các vấn đề về hành lang pháp lý đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Trọng- Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp cần có định hướng, có cách đi xác định chiến lược lâu dài khi tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Chúng tôi đã thành lập liên minh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ, các doanh nghiệp logistics hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ khác liên quan trong chu trình giúp một doanh nghiệp có thể tham gia thị trường xuất khẩu trực tuyến”- Tổng Thư ký VECOM khẳng định.

“Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và các bên liên quan trao đổi, đề xuất cập nhật các thông tin và chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm để có thể giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển bền vững, ổn định và thông qua đó giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với thị trường nước ngoài.

Theo VietQ.vn

Tận dụng công nghệ số, thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới (vietq.vn)

(Visited 18 times, 1 visits today)