Tỷ trọng hàng hóa vận chuyển qua đường thủy nội địa ở Việt Nam rất lớn

Cơ hội giao thương - Lĩnh vực đường thủy nội địa của Việt nam được WB đánh giá là vận chuyển tỷ trọng hàng hóa nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác (ngoài Hà Lan), với việc đảm nhiệm ¾ lưu lượng vận tải trong nước. Tình trạng tai nạn đường thủy đã giảm 2/3…

Lĩnh vực đường thủy nội địa của Việt nam được Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá là vận chuyển tỷ trọng hàng hóa nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác (ngoài Hà Lan), với việc đảm nhiệm ¾ lưu lượng vận tải trong nước. Tình trạng tai nạn đường thủy đã giảm 2/3…

Báo cáo “Phát triển bền vững vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 28/3 cho thấy, vận chuyển tỷ trọng hàng hóa trong lĩnh vực đường thủy nội địa của Việt Nam nhiều hơn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới (ngoài Hà Lan).

Đáng chú ý, lưu lượng vận tải này vẫn đang trên đà tăng.

“Kết quả đáng khích lệ trên đạt được là do mạng lưới giao thông đường thủy chính ở miền Bắc và miền Nam hiện phục vụ hai khu vực đầu tàu phát triển kinh tế và đông dân nhất cả nước” – Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định.

Theo phân tích của Báo cáo, các tuyến vận tải đường thủy nội địa cũng trực tiếp kết nói tới các cảng biển chính trong nước. Đây là một nguyên nhân quan trọng khác góp phần mang lại kết quả trên. Trên thực tế, vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển hiện đang đảm nhiệm ¾ lưu lượng vận tải trong nước.

Vận tải đường sông
Vận tải đường sông

Cơ sở vật chất còn lạc hậu

Nghiên cứu cho thấy, hiện nay, đội tàu thủy nội địa hiện có hơn 170.000 phương tiện, hầu hết đều là tàu nhỏ. Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền lớn và chuyên dụng đang gia tăng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các loại phương tiện này đáp ứng nhu cầu tốt hơn với chi phí thấp hơn. Tuy vậy, các phương tiện này đòi hỏi đường thủy tiêu chuẩn cao để phù hợp với chi  phí đầu tư lớn hơn cho đội tàu cũng như cho hoạt động cơ giới hóa cảng.

Hầu hết lưu lượng vận tải được thực hiện trên 7.000km đường thủy nội địa quốc gia do Trung ương quản lý. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 30% chiều dài mạng lưới này phù hợp để sà lan với trọng tải lớn hơn 300 tấn hoạt động. Đây là tỷ lệ rất khiêm tốn so với các mạng lưới giao thông đường thủy thương mại thành công nhất trên thế giới.

Kích thước tàu thuyền ở Việt Nam không lớn do độ sâu sông kênh khan cạn, kích thước luồng tàu nhỏ và tĩnh không cầu thấp. Nhiều cảng có cơ sở vật chất lạc hậu và mức độ cơ giới hóa thấp, hoặc được bảo trì kém, hoặc kết nối với nội địa kém. Trong khi đó, tất cả các mạng lới vận tải đường thủy nội địa của Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ đều được phát triển phù hợp để các tàu thuyền có trọng tải lớn hơn 1.000 tấn hoạt động, thông thường trọng tải của các phương tiện này còn lớn hơn nữa.

Các tuyến giao thông đường thủy cấp tỉnh còn lại đóng vai trò quan trọng, là phương tiện giao thông phổ biến cả ở các địa phương và trung chuyển hàng hóa, hành khách cho mạng lwis giao thông quốc gia. Hệ thống đường thủy cấp tỉnh kết nối tới hàng nghìn cảng, bến thủy  nhỏ nơi sà lan nhỏ được sử dụng để chuyên chả các chuyến hàng có khối lượng nhỏ trên các tuyến giao thông có tiêu chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo lĩnh vực đường thủy nội địa phát triển thành công và đóng vai trò chiến lược, Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần duy trì và cải thiện các tuyến chính của mạng lưới giao thông quốc gia.

Đáng chú ý, Ngân hàng Thế giới đánh giá, mức độ an toàn của đường thủy  nội địa đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tình trạng tai nạn tính trên tấn-km đã giảm khoảng 2/3 kể từ năm 2010.

Điều chuyển kinh phí từ đường bộ sang đường thủy

Đề xuất về chính sách để phát triển lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường nguồn vốn trong nước cho các dự án đầu tư phát triển vận tải đường thủy nội địa.

“Chỉ cần điều chuyển một tỷ lệ nhỏ phần kinh phí xây dựng các tuyến đường bộ quốc gia cũng có thể mang lại tác động mang tính chuyển đổi cho các tuyến đường thủy trong khi chỉ làm tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ chậm hơn không đáng kể” – Báo cáo của Ngân hàng thế giới nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, Bộ Giao thông Vận tải nên cân nhắc thận trọng việc đầu tư vào các cảng bởi hoạt động này sẽ làm phân tán nguồn vốn đầu tư khan hiếm đáng lẽ ra có thể đầu tư vào lĩnh vực cần thiết hơn là mạng lưới đường thủy. “Đầu tư vào hệ thống cảng chủ yếu nên xuất phát từ các chủ cảng tư nhân”– Báo cáo gợi ý.

Một trong những “cảnh báo” của Ngân hàng Thế giới, đó là “cần thận trọng khi tiếp nhận quan điểm từ đại diện các đơn vị khai thác cảng và phương tiện liên quan đến các đề xuất có thể giúp đạt được mục tiêu cải cách”. Theo WB, nếu thành lập được Ban cố vấn đường thủy nội địa sớm, Ban này sẽ có vai trò quan trọng trong việc xác định các hoạt động ưu tiên và kế hoạch thực hiện.

Theo VnMedia

(Visited 21 times, 1 visits today)