Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có tín hiệu tích cực
Bộ Công Thương cho biết, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7/2023 đã có những tín hiệu tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch tăng 1,1% so với tháng trước, đạt 25,12 tỷ USD, chiếm 84,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước
Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép các loại đạt 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%;… Tuy nhiên, điện thoại các loại và linh kiện sau khi được đẩy mạnh xuất khẩu vào tháng trước đã giảm trở lại 10,2% trong tháng này, đạt 3,6 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản trong tháng 7/2023 chững lại so với tháng trước (giảm 0,9%), nhưng vẫn tăng tới 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%.
Nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 52,4 tỷ USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU đạt 25 tỷ USD, giảm 9,9%; ASEAN đạt 18,6 tỷ USD, giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 8,8%, đạt 12,9 tỷ USD; Nhật Bản đạt 13,03 tỷ USD, giảm 3,5%. Riêng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 31,57 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại
Từ nay đến hết năm 2023, Bộ Công Thương dự báo, tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.
Cùng với đó là sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn.
Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại – công nghệ giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác…
Mặt khác, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, sẽ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về nhu cầu, quy định mới của thị trường- Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại (vietq.vn)