Bảo vệ thương hiệu, quyết liệt phòng chống vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT

Cơ hội giao thương - Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang làm ảnh hưởng xấu cho thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái giá rẻ. Để bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp, cần quyết liệt phòng chống vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT của các nhãn hiệu nổi tiếng ngày càng nhiều và với hình thức ngày càng tinh vi  hơn đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng, hơn nữa, còn gây tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” trong Chương trình “Góc nhìn chuyên gia” của Tạp chí Công Thương diễn ra ngày 30/6/2023, các đại biểu đã chia sẻ về việc cần có những giải pháp để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT.

 Các đại biểu chia sẻ giải pháp bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT

Hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền SHTT ngày càng phức tạp và tinh vi

Tại Tọa đàm, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa năm 2022, khi dịch Covid có dấu hiệu dừng hẳn thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT bắt đầu sôi động trở lại. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chúng tôi thấy rằng, sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền SHTT đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Điều này thể hiện qua ba khía cạnh. Thứ nhất đối với các vấn đề về thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm. Thứ hai là chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền. Thứ ba là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng nhái.

Đối với vấn đề liên quan đến thương hiệu và nhãn hiệu, có thể nói trong vòng một năm trở lại đây có hai loại thương hiệu nhãn hiệu, thứ nhất là các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của quốc tế; thứ hai là các thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.

Trong khoảng một năm trở lại đây, lực lượng QLTT liên tiếp nhận được yêu cầu, đề nghị phối hợp của các hãng lớn trên thế giới hoặc các hãng quốc tế có nhà máy sản xuất ở Việt Nam trong việc xử lý hàng giả hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT.

Từ những hãng làm đồ ăn thức uống hằng ngày của người dân, như hãng Ajinomoto sản xuất bột ngọt, hãng Acecook của Nhật Bản sản xuất mì gói là hai sản phẩm được người Việt Nam tiêu thụ rất nhiều. Trong vòng 20 năm nay, số gói mì tôm được bán ở thị trường Việt Nam khoảng gần 30 tỷ gói mì. Cả hai hãng này cho biết, trên thị trường ngày càng nhiều bột ngọt cũng như mì tôm làm giả, thậm chí làm giả từng gói gia vị trong gói mì.

Đến những thương hiệu rất nổi tiếng của tập đoàn Procter & Gamble như mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng… cũng bị làm giả rất nhiều ở Việt Nam. Hãng Lego của Đan Mạch sản xuất đồ chơi trẻ em rất nổi tiếng trên thế giới cũng phản ánh với Tổng cục QLTT về việc bị xâm phạm quyền SHTT của sản phẩm Lego ở thị trường Việt Nam.

Đối với các thương hiệu sản phẩm của Việt Nam bị làm giả rất nhiều, thậm chí là những mặt hàng liên quan đến đồ ăn, thức uống đều bị làm giả, làm nhái. Hiện nay, hàng giả hàng nhái bao gồm đủ mọi chủng loại. Ngày xưa, chúng ta hay thấy hàng giả nhiều ở những đồ quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng đều bị làm giải làm nhái rất tinh vi, ví dụ như thực phẩm chức năng. Mới đây, Cục QLTT Hà Nội đã bắt một vụ rất lớn liên quan đến sản xuất thực phẩm chức năng giả rồi bán trên mạng. Điều này rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ngay cả những sản phẩm rất đắt tiền của những hãng nổi tiếng thế giới như: mặt kính bếp từ của Đức, kính đeo mắt của Ý đều bị làm giả, nhái sản phẩm.

Đáng chú ý, hiện nay đã nảy sinh những hình thức vi phạm mới: các đối tượng vận chuyển hàng giả về bằng cách công khai, tức là tổ chức lập mở doanh nghiệp và nhập hàng trà trộn hàng giả vào đàng hoàng đi qua các cửa khẩu chính thức với số lượng lớn. Hiện tượng này đòi hỏi việc phối hợp của các lực lượng chức năng từ những đơn vị bảo vệ biên giới như biên phòng hay hải quan, đến lực lượng quản lý thị trường nội địa như QLTT và công an có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý.

Hiện nay, tốc độ phát triển của thương mại điện tử càng ngày càng tăng lên, và đây là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, người bán không biết ở chỗ nào, hàng hóa thì cất trữ tại những địa điểm kho bãi, kể cả những chung cư cao cấp. Việc xác minh người bán ở đâu và kho hàng ở đâu trên mạng rất khó khăn. Đây là những vấn đề mà lực lượng thực thi pháp luật đang phải đương đầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số đó vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho hay.

Tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả

Khẳng định, công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT phải tất cả các đối tượng bị tác động cùng tham gia thì mới có hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Linh cho biết, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như đối với người mua hàng.

Thực tế cho thấy, rất nhiều người tiêu dùng đều biết là hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT nhưng vẫn mua bởi vì giá rẻ; tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu do vậy thỏa hiệp với hàng giả. Còn số lượng người tiêu dùng bị mua nhầm không cao.

Đối với những người mua thỏa hiệp với việc mua, dùng hàng giả, cần phải tuyên truyền mưa dầm thấm lâu để người ta thay đổi được suy nghĩ, hành vi mua hàng giả. Điều này rất quan trọng, mà không thể ngày một, ngày hai được, vì liên quan đến tâm lý sính hàng ngoại.

Đối với những mặt hàng người tiêu dùng bị lừa khi mua phải hàng giả, lực lượng QLTT cùng với doanh nghiệp, đã tăng cường việc tư vấn, hướng dẫn tiêu dùng, đặc biệt cung cấp cho người dân kịp thời những dấu hiệu để nhận biết hàng giả.

Trong năm qua, Tổng cục QLTT đã tổ chức những đợt, tuần lễ trưng bày hàng thật – hàng giả, giúp nhận diện từ những mặt hàng rẻ tiền như gói dầu gội đầu, gói mì tôm cho đến những sản phẩm đắt tiền như những bộ đồ chơi trẻ em 5 – 6 triệu đồng/bộ và cả những cây sâm Ngọc Linh giá trị cả trăm triệu đồng/kg, để giúp cho người tiêu dùng phân biệt được. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT đang ưu tiên triển khai phòng ngừa vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường internet.

Đối với phía doanh nghiệp, nhà sản xuất cần phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng. “Tôi nghĩ rằng, công cuộc chống hàng giả này phải tất cả các đối tượng bị tác động cùng tham gia thì mới có hiệu quả” Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền- Đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam chia sẻ, là một doanh nghiệp sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái được công ty rất chú trọng. URC đã thực hiện hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, nhà phân phối và người tiêu dùng, chủ động khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra logo, nhãn và tem sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể nhận dạng được những thương hiệu của công ty để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng của công ty như C2, Rồng đỏ và các nhãn hiệu khác của URC.

Đồng thời, URC Việt Nam chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm khi phát hiện các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, xâm phạm về sở hữu trí tuệ của công ty, xác định các hành vi này có đúng là vi phạm SHTT hay không và từ đó đưa ra hướng xử lý thích hợp.

“Chúng tôi mong muốn đẩy nhanh được quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể các vi phạm về xâm phạm SHTT, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần nhằm tăng tính răn đe cho người thực hiện hành vi vi phạm đó”- bà Bùi Thị Thu Hiền đề xuất.

Theo VietQ.vn

Bảo vệ thương hiệu- Quyết liệt phòng chống vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT (vietq.vn)

(Visited 15 times, 1 visits today)