Báo chí đồng hành cùng ngành nông nghiệp
Trao đổi với các nhà báo viết về ngành nông nghiệp, nông thôn vào ngày cuối tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, chưa từng được đào tạo qua trường lớp báo chí chính quy, song đã viết rất nhiều bài đăng trên báo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với bút danh Xích Lô. Theo Bộ trưởng, báo chí có sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, năng lượng tích cực, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước nói chung, ngành nông nghiệp và người nông dân nói riêng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: báo chí có sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, năng lượng tích cực
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp ở mọi nơi trên thế giới, từ xa xưa đến nay, và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, là luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro: thời tiết, dịch bệnh, giá cả đầu vào, thị trường đầu ra…, khiến người nông dân phải thấp thỏm từng mùa vụ.
Ngày nay, ngành nông nghiệp luôn phải ứng phó với 3 chữ “biến”, đó là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do vậy, không dễ đưa ra dự báo thị trường chính xác trong dài hạn, thậm chí cả trong ngắn hạn. Nhưng luôn có yêu cầu bất biến trong mọi tình huống, mà người nông dân và ngành nông nghiệp cần chủ động thích ứng là “tăng chất lượng – giảm chi phí”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, trong kinh tế, đừng nhầm lẫn giữa sản phẩm và thương phẩm. Tư duy sản xuất nông nghiệp là tư duy tạo ra sản phẩm, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là hướng sản phẩm đó thành thương phẩm. Sản phẩm là những gì ta có, làm được, làm quen, ít cần thay đổi mà vẫn có thể duy trì được cuộc sống ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, hiện nay, cần biến sản phẩm đó phù hợp với thị trường. Nghĩa là thị trường cần gì thì mình sản xuất cái đó, chứ không phải cứ sản xuất ồ ạt rồi mới đi tìm thị trường- đó chính là thương phẩm.
“Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ dừng ở việc quy hoạch lại mà phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để tạo ra giá trị cao hơn. Do đó, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ là cầu nối lý tưởng để đưa những chủ trương, định hướng của ngành tới người nông dân và ngược lại, đưa người nông dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính sách và sự chuyển động không ngừng của thị trường”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nói về thị trường và giá cả nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, thị trường luôn bấp bênh, không bao giờ ổn định, đây là điều chúng ta cần phải làm quen. Bởi khi giá cao, bà con tăng sản xuất, sản lượng tăng thì giá giảm, và ngược lại, khi thấy giá giảm, bà con thu hẹp sản xuất, cung giảm thì giá lại tăng…
“Chúng ta hiện nay là sản xuất rồi mới đi tìm thị trường, trong khi kinh tế nông nghiệp là phải nghĩ đến thị trường, xem thị trường cần gì mới sản xuất. Do vậy, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là trong hoàn cảnh bất định nhất vẫn có những giải pháp, kế hoạch để vượt qua. Và báo chí có sứ mệnh đồng hành cùng phát triển kinh tế nông nghiêp”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục đích viết báo của ông là để chia sẻ với bà con nông dân, mỗi lần đặt bút viết, ông luôn đứng ở vị thế của người nông dân, nắm bắt cảm xúc của họ và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao?”, từ đó tìm hiểu, học hỏi và giải quyết các vấn đề.
Nêu hiện tượng, có những người cứ ngồi than phiền giá vật tư đầu vào tăng, cửa khẩu ùn tắc, giá nông sản rẻ… và tự mặc định do giá thị trường thế giới, do đứt gãy chuỗi cung ứng. Họ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực và đánh mất niềm tin.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, “Chúng ta có khoảng 14 triệu nông dân. Nếu mỗi người nông dân đều bị tác động bởi những thông tin tiêu cực hàng ngày, lâu dần họ sẽ thấy mọi khó khăn không phải do mình mà do trời đất, do thị trường hay cơ quan quản lý. Từ đó họ sẽ ngồi oán than, luôn nghĩ mình là người bị thiệt thòi nhất.
Báo chí phải truyền đi được thông điệp lan tỏa những ý tưởng mới vào đời sống, ươm mầm những điều mới mẻ
Theo Bộ trưởng, báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh, mô tả hiện thực khách quan, mà phải làm sao cho người đọc cảm thấy mình ở trong đó và chính bản thân cũng phải thay đổi. Báo chí cần khơi gợi, chuyển tải được năng lượng tích cực trong mỗi con người, để bà con nông dân thấy rằng, trong cái khó vẫn tìm thấy được con đường đi, để hiểu được nếu mình tự thay đổi trước, tự nghĩ cách giảm chi phí, tiêu thụ được nông sản thì có thể vượt qua hiện thực khó khăn.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí nên có những chuyên mục hướng tới người nông dân, viết về những tấm gương người nông dân tử tế. Thực tế, có những người nông dân đã sử dụng phân sinh học để bón cho cây trồng, tuy năng suất thấp hơn nhưng lại bán được giá cao hơn, và điều quan trọng là người nông dân đã có sự chia sẻ với sức khỏe người tiêu dùng. Làm ăn tử tế thì tâm thanh thản, tối ngủ ngon- đây là điều mà những người nông dân đã tâm sự với tôi- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, muốn thay đổi nền nông nghiệp phải làm sao giúp người nông dân thay đổi trước, bởi người nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Do nền nông nghiệp của Việt Nam manh mún, báo chí cần kéo người nông dân liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Báo chí cũng phải trở thành mạng lưới xã hội, lấy tôn chỉ để phục vụ kinh tế xã hội đất nước nói chung và phục vụ ngành nông nghiệp, nông dân nói riêng.
Khi đưa một vấn đề thì Báo chí phải truyền đi được một thông điệp để lan tỏa những ý tưởng mới vào đời sống, ươm mầm những điều mới mẻ, tạo ra những giá trị bền vững, cần truyền cảm xúc tích cực cho người nông dân để họ cùng cố gắng vươn lên, giúp họ tìm ra con đường mới; khơi gợi” những giá trị tốt đẹp, tử tế, để mỗi người lạc quan hơn, dù cuộc sống luôn bộn bề những khó khăn, nghịch cảnh” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn