Trong thống kê, không có số liệu đẹp, xấu, chỉ có con số chính xác, chân thực

Cơ hội giao thương - Trước những băn khoăn về số liệu thống kê trong thời gian qua, liệu có chăng việc làm đẹp số liệu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong thống kê, không có số liệu đẹp, xấu, chỉ có con số chính xác phản ánh chân thực tình hình kinh tế xã hội.

Trong buổi Tọa đàm “Số liệu thống kê và truyền thông chính sách” do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức ngày 19/6/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong công tác thống kê, chất lượng của thống kê và tính minh bạch, kịp thời được ưu tiên hàng đầu. Phương pháp của Thống kê là theo Quy luật số lớn (quy luật kinh tế), không chỉ nhìn vào từng sự việc cụ thể. Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của cơ quan thống kê luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Trong thống kê, không có số liệu đẹp, xấu, chỉ có con số chính xác, chân thực

Trước những băn khoăn về số liệu thống kê trong thời gian qua, liệu có chăng việc làm đẹp số liệu, bà Hương khẳng định, trong thống kê, không có số liệu đẹp, xấu, chỉ có con số chính xác phản ánh chân thực tình hình kinh tế xã hội.

Theo bà Hương, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo các đối tượng sử dụng dữ liệu trong nước và quốc tế.

Với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế-xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự tiếp cận đa dạng của người sử dụng dữ liệu…, đòi hỏi ngành Thống kê phải luôn vận động, đổi mới. Do đó, các phương pháp thống kê đã có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội.

Đến nay, ngành Thống kê đã thay đổi cách thức thống kê, phương pháp khảo sát giấy truyền thống đã được thay thế bằng phương pháp trực tuyến, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về số liệu khai báo của mình. Tổng cục Thống kê cũng tăng kết nối với các tổ chức quốc tế, thực hiện điều tra dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế. Hiện nay, công tác thống kê của Việt Nam tương đồng với thế giới – bà Hương cho hay.

Thông tin cụ thể về phương pháp tính chỉ số giá CPI, bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá- cho hay, phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo chuẩn mực quốc tế, đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng.

Bà Oanh cho biết, danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, gọi là “rổ” hàng hóa (thời kỳ 2020-2025) có 752 mặt hàng. Hàng tháng, 2000 điều tra viên trên cả nước sẽ thu thập số liệu giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tại 63 tỉnh thành phố theo 3 kỳ.

“Hiện toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, ngành thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử- CAPI tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, chất lượng số liệu điều tra được nâng cao, minh bạch, tiến tới hội nhập với thống kê thế giới”- bà Oanh nói.

Về số liệu thất nghiệp thấp, Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động Phạm Hoài Nam chia sẻ, do nước ta số lao động phi chính thức chiếm đến 65%, nên mặc dù hiện nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, nhưng tính chung, tỷ lệ người thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

Để nâng cao chất lượng thống kê, bà Dương Thị Kim Nhung- Vụ Phó Vụ Phương pháp chế độ thống kê- cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật làm cơ sở cho hoạt động thống kê.

“Sau khi Luật Thống kê sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2021, Tổng cục Thống kê đã trình Chính phủ thông qua các văn bản dưới luật, nhằm đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan tới thống kê. Thời gian tới, hai văn bản pháp lý liên quan tới tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê và chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia cũng sẽ được ban hành”- bà Nhung chia sẻ.

Nhằm tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm hợp tác quốc tế, bà Nhung cho biết, Tổng cục Thống kê đang kết nối với các tổ chức quốc tế (như Tổ chức Lao động quốc tế-ILO, Quỹ dân số Liên hợp quốc-UNFA, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB…) và cơ quan thống kê các nước tiên tiến (Bangladesh, Italia, Nhật Bản, Đan Mạch…).

Theo VietQ.vn

Trong thống kê, không có số liệu đẹp, xấu, chỉ có con số chính xác, chân thực (vietq.vn)

(Visited 25 times, 1 visits today)