Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Thông tin tại Hội thảo “Thương mại điện tử – Xu thế phát triển bền vững” do Báo Công Thương tổ chức cho thấy, những năm gần đây, thương mại điện tử đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Nếu như năm 2016, doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 5 tỷ USD, đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD, năm 2020 là 11,8 tỷ USD, năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD.
Theo Sách trắng năm 2022 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD. Ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD.
Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Một số thói quen và xu hướng tiêu dùng hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử (TMĐT) trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Trong báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025. Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.
Hấp dẫn thị trường giao thức ăn trực tuyến
Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong TMĐT để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, ông Jinwoo Song – Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng Việt Nam luôn cởi mở với nền văn hóa mới, do đó họ chính là động lực để chúng tôi cho ra đời và cải thiện những tính năng mới.
Nói về nguyên nhân vì sao thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam hấp dẫn, ông Jinwoo Song cho biết, so với những thị trường khác, thị trường Việt Nam có nhiều người trẻ sành sử dụng công nghệ, bắt kịp xu hướng hiện đại, sẵn sàng trải nghiệm những thói quen tiện lợi.
“Về nền tảng cơ sở vật chất, với sự phát triển vượt bậc của các ngân hàng số và nền tảng thanh toán trực tuyến, các ứng dụng có thể phục vụ khách hàng nhanh hơn và tiện lợi hơn. Ngoài ra, lực lượng giao hàng công nghệ ở Việt Nam cũng đặc biệt chu đáo, được đào tạo kỹ lưỡng đi kèm với dịch vụ chăm sóc khách hàng ổn định. Đối với yếu tố công nghệ, lực lượng kỹ sư công nghệ chất lượng cao tại Việt Nam đang được gia tăng đáng kể càng giúp thị trường Việt Nam trở nên tiềm năng”- ông Jinwoo Song nhận xét.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường giao đồ ăn trực tuyến đó là sự phát triển bền vững khi thị trường hiện nay được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ. Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng. Tuy nhiên, điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.
Ông Jinwoo Song chia sẻ thêm: “Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên nếu người dùng gắn với ứng dụng nào chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn. Đó là lý do vì sao BAEMIN rất quan tâm và chú trọng đến trải nghiệm trong ứng dụng của người dùng”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững
Trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang phát triển không ngừng, việc hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững là điều vô cùng cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cần sự tạo điều kiện từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự nỗ lực phát triển của mỗi doanh nghiệp TMĐT.
“Bên cạnh những chính sách và quy định hiện hành về TMĐT, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế. Ngoài ra, việc quy định đầu mối tập trung (cơ quan chức năng chuyên trách) cho vấn đề hoạt động với nhiều bên liên quan như đối tác nhà hàng và đối tác tài xế cũng là yếu tố cần thiết với các ứng dụng”- Tổng Giám đốc BAEMIN chia sẻ.
Thời gian tới, ứng dụng BAEMIN sẽ tiếp tục phát triển nhiều loại hình kinh doanh mới, để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của người dùng và giúp cuộc sống tiện lợi hơn”- ông Jinwoo Song cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thế Quang- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các vấn đề trong giao dịch thương mại điện tử phát sinh cũng là bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Với việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng thị trường trực tuyến lành mạnh, bền vững tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho bức tranh thương mại điện tử ở Việt Nam- ông Nguyễn Thế Quang nhấn mạnh.
Theo VietQ
Thương mại điện tử và sự phát triển thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam (vietq.vn)