Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch còn yếu và thiếu
Trong khuôn khổ “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022”, chiều 18/11/2022, tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề”.
Tham dự toạ đàm có đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia nghiên cứu, nhà thiết kế, trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế cùng đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề…
Theo Ban tổ chức, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Đặc biệt có những sản phẩm mang tính riêng biệt đặc thù mà chỉ ở Hà Nội mới có như: gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he Xuân La (Phú Xuyên); sừng Thụy Ứng (Thường Tín)…
Các sản phẩm làng nghề của Hà Nội đã có mặt ở nhiều nơi và được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật. Việc duy trì các yếu tố văn hóa của sản phẩm đã đảm bảo phát triển bền vững của ngành nghề, làng nghề. Chính vì vậy, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Những năm qua, Hà Nội đã thu hút lượng khá lớn khách du lịch đến thăm quan các làng nghề như: làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Chái, nón Chuông…
Tuy nhiên, công tác quản lý làng nghề còn nhiều chồng chéo, chưa nhận được sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong khu dân cư, quy mô sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao. Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn…
Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề
Theo ông Nguyễn Trung Thành – Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, để có thêm nhiều sản phẩm làng nghề đặc sắc phục vụ du lịch, cần tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm, nhất là các sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực văn hóa – du lịch, trong đó có làng nghề và du lịch làng nghề.
Ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, thiết kế là nền tảng để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; đồng thời, giảm tác động tiêu cực. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề.
Tại cuộc tọa đàm, đa số các ý kiến đều cho rằng, trong tình hình hiện nay, để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề, bên cạnh sản phẩm tốt, cần tập trung cải tiến về mẫu mã, thiết kế sáng tạo; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo. Đồng thời, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều giá trị như: quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với nhiều khách hơn với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá sản phẩm sống động nhất; quản lý làng nghề trực quan nhất.
Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Cần hoàn thiện bản đồ du lịch làng nghề Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các du khách dễ dàng tra cứu điểm đến.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế của làng nghề nói chung cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói riêng, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực- Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Theo VietQ
Hà Nội: Chuyển đổi số tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề (vietq.vn)