Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng đàm phán, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại

Cơ hội giao thương - Hội nghị “Kỹ năng đàm phán trong thương mại quốc tế và hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam” cung cấp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả.

Ngày 01/11/2022 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Kỹ năng đàm phán trong thương mại quốc tế và hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”. Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương (TRAV), cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức.

Đây là Hội nghị thứ tư, nằm trong khuôn khổ Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” của UBND thành phố Hà Nội.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: DN cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để có thể chủ động xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của DN trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra 

Thực tế hiện nay, cùng với cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt ngày càng cao hơn. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể yêu cầu chính phủ sở tại sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để có thể chủ động xử lý trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra. Nắm được những kiến thức này, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại một cách phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Tại Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức về đàm phán trong giao dịch thương mại, trang bị kỹ năng ký kết hợp đồng; nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp và hiệp hội về các biện pháp phòng vệ thương mại, hiểu được quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại; rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó nắm được phương hướng, cách thức xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam một cách chủ động và hiệu quả.

Theo đó, doanh nghiệp cần nắm được các kỹ năng cụ thể về: lý luận về đàm phán trong giao dịch thương mại; kỹ thuật đàm phán trong giao dịch thương mại; tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO, các FTA và pháp luật của Việt Nam; hướng dẫn xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp.

“Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới. Cùng với tăng trưởng xuất khẩu cao thì nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại cũng đang ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các Hiệp định mang lại và bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại đã hướng dẫn doanh nghiệp quy định chung về phòng vệ thương mại, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới và đối với Việt Nam, quy trình thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại, các nội dung doanh nghiệp cần chuẩn bị và thực hiện khi một vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra.

Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và năng lực xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp cũng được trang bị kiến thức chuyên sâu về tổ chức các cuộc đàm phán và trao đổi giao dịch kinh doanh với đối tác trong và ngoài nước, biết sử dụng kỹ năng đàm phán, nghệ thuật đàm phán và tạo ra phong cách đàm phán riêng, nắm được cách thức tổ chức ký kết và trao hợp đồng kinh tế trong ngoại thương.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội- cho biết, thông qua Hội nghị này, các doanh nghiệp được nâng cao nhận thức và năng lực xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới đang gia tăng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam duy trì và thúc đẩy xuất khẩu một cách bền vững và hiệu quả đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19, giảm thiểu tác động bất lợi do các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra, đảm bảo sự cạnh tranh so với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác- bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.  

Theo VietQ

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng đàm phán, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại (vietq.vn)

(Visited 12 times, 1 visits today)