Cầu tiêu dùng tăng tốc, vốn FDI tăng đột biến
Theo Báo cáo vĩ mô tháng 2/2019: “Những tín hiệu cảnh báo sớm” vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt phát hành, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 2 đã giảm mạnh 17% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho thấy, chỉ số PMI tháng 2 cũng giảm xuống mức thấp nhất (51,2 điểm) kể từ tháng 03/2016, cho thấy khu vực sản xuất đang tăng chậm lại.
“Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm hàng điện tử, máy vi tính và quang học (chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ tăng 38%); nhóm sản xuất thuốc và hóa dược (giảm 12,4% trong khi cùng kỳ tăng 12,7%). Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành tăng tốt so với cùng kỳ là sản xuất kim loại (tăng 36%), sản xuất xe có động cơ (tăng 21%), sản xuất giường tủ bàn ghế (tăng 13,8%)”, báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt nêu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong khi đó, doanh số bán lẻ trong tháng 2/2019 giảm 3% so với tháng 1 nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2018, cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn tăng trưởng tốt.
Tháng 2 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế 2 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký tăng 58%. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 52% so với cùng kỳ.
Vốn FPI (vốn góp mua cổ phần) tăng tới 312% so với cùng kỳ, trong đó nổi bật là dự án chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần của Beer co Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD tại Hà Nội (thương vụ Sabeco trước đây).
Cũng do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, cả xuất và nhập khẩu trong tháng 2 đều giảm mạnh hơn 20% so với tháng trước.
CPI sẽ có mức tăng thấp
Cũng theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu có mức tăng thấp hơn so với nhập khẩu. So với cùng kỳ năm 2018 thì cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng thấp hơn rất nhiều (cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu tăng 23% trong khi nhập khẩu tăng 18%). Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho tăng trưởng GDP trong cả quý I/2019.
Do vậy, cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt trong 2 tháng đầu năm (-800 triệu USD). Lũy kế 12 tháng gần nhất, thặng dư thương mại đang có xu hướng giảm dần.
Báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cũng chỉ rõ, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện thoại di động chỉ tăng 5% trong 2 tháng đầu năm, thấp hơn mức 28% của cùng kỳ. Xuất khẩu các nhóm hàng nông sản chính như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê cũng tăng thấp hơn hẳn.
Bù lại, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại như da giày, túi xách lại tăng tốt. Trong khi đó, xuất khẩu dệt may và gỗ có xu hướng chững lại trong 2 tháng gần đây.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, do kỳ thống kê tháng 2 rơi vào Tết Nguyên Đán nên chỉ số CPI tăng mạnh so với tháng 1 (0,8%). Tuy nhiên chỉ số CPI YoY vẫn đang duy trì xu hướng giảm kể từ mức đỉnh 4,5% vào tháng 7/2018 đến nay.
Các nhóm hàng tiêu dùng mạnh trong dịp Tết đều tăng giá như hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,73%); đồ uống, thuốc lá (tăng 0,35%); nhà ơ,̉vật liệu xây dựng (0,69%). Riêng nhóm hàng giao thông giảm 0,16%. Do tác động từ việc giá xăng dầu thế giới, giao thông là nhóm hàng có mức giảm giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.
“Dự kiến trong tháng 3, CPI sẽ có mức tăng thấp, thậm chí giảm. Cuối tháng 2, một số tỉnh thành của Việt Nam đã phát hiện có dịch tả lợn châu Phi. Đây có thể rủi ro tiềm ẩn với giá nhóm hàng thịt lợn, tuy nhiên hiện rủi ro này chưa ở mức quá lớn”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt đánh giá.
Theo VnMedia