Nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo xuất khẩu bền vững trái sầu riêng

Cơ hội giao thương - Trái sầu riêng của Việt Nam đã chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết. Tuy nhiên, để đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của trái sầu riêng, cần thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, trái sầu riêng của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt.

Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: Lương Ngọc Quang 

Số lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) xem xét phê duyệt hoặc có thể giảm xuống, thậm chí mất thị trường xuất khẩu nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc.

Để đảm bảo xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam, chiều 12/9/2022, trực tiếp điều hành “Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần thống nhất cách thức triển khai việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp, minh bạch, đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại Nghị định thư đã được ký kết giữa hai bên.

“Tất cả các bên liên quan đều phải thể hiện trách nhiệm của mình để đưa nông sản Việt vươn ra thế giới, trong đó cần tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời đề nghị sớm thành lập hiệp hội ngành hàng sầu riêng để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu bền vững.

Được biết, trước đó, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành nhiều hoạt động như tổ chức các lớp tập huấn về các yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc; về thiết lập và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói (CSĐG) cho các bên liên quan ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, tuyên truyền phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau giúp người dân tiếp cận được với các quy định, yêu cầu đối với sầu riêng xuất khẩu.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu kiểm tra xuất xứ hàng hóa liên quan đến mã số, yêu cầu kỹ thuật về bao bì nhãn mác nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm thời gian, nhanh chóng đưa sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp cho việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó Cục Bảo vệ Thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi GACC xem xét phê duyệt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.

“Doanh nghiệp không gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam, thậm chí mất thị trường”- bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp cho việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác, nhất là ruồi đục quả. Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao.

Theo VietQ.vn

Nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo xuất khẩu bền vững trái sầu riêng (vietq.vn)

(Visited 16 times, 1 visits today)