Kim ngạch xuất khẩu giảm do trùng với Tết Nguyên đán
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước do tháng này có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,68 tỷ USD, giảm 47,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,92 tỷ USD, giảm 27,4%.
Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 23,9%; sắt thép giảm 45,8%; giày dép giảm 49,1%; dệt may giảm 51,4%; thủy sản giảm 52,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 59,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2019 tăng 1,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3,2%.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 4,3%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực: Điện thoại và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 4,9 tỷ USD, tăng 19%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,9%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 18,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,6 tỷ USD, tăng 19,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12,7%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 127,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 42,5%; hàng dệt may tăng 21%.
Tiếp đến là thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2%, trong đó giày dép tăng 14,8%; hàng dệt may tăng 14,4%. Trung Quốc đạt 5,1 tỷ USD, giảm 9,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 19%; điện thoại và linh kiện giảm 63%.
Thị trường ASEAN đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,5%, trong đó hàng dệt may tăng 47,1%; sắt thép tăng 20,9%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 17,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30,5%; giày dép tăng 18,3%; hàng dệt may tăng 10,4%. Hàn Quốc đạt 3,1 tỷ USD, tăng 10,1%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 26,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,4%; hàng dệt may tăng 9,3%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 ước tính đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 31,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,3 tỷ USD, giảm 23,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều giảm, trong đó giảm mạnh ở một số mặt hàng: Điện tử, máy tính và linh kiện giảm 10,1%; điện thoại và linh kiện giảm 22,2%; vải giảm 22,3%; chất dẻo giảm 34,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 tăng 10,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,1%.
Tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong 2 tháng là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; sắt thép; chất dẻo; ô tô… Riêng dầu thô đạt 693 triệu USD, gấp 16,6 lần cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng tăng 61,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33,5%; sắt thép tăng 16,7%.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 2,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện giảm 2,4%; sắt thép giảm 18,3%. Thị trường ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4%. Thị trường EU đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6%.
Như vậy, tháng 2 ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm nhập siêu 84 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,57 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,49 tỷ USD.
Theo VnMedia