Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
Chiều 19/8/2022, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng- Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi với nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II, các cân đối lớn được bảo đảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Hầu hết doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
“Cùng với tác động tiêu cực do dịch Covid-19, khảo sát PCI cũng cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, điều này đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”- ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Đánh giá về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn từ Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, ông Lê Duy Bình – Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có sự chậm lại về số lượng và lao động trong 5 năm từ 2016 đến 2020.
Điều đáng lưu ý là số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại, cho thấy động lực tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp tư nhân cũng nhỏ dần trong 5 năm qua. Từ mức trung bình 18 lao động/doanh nghiệp đã giảm chỉ còn 13 lao động/doanh nghiệp, như vậy cho thấy quy mô doanh nghiệp tư nhân chỉ nhỏ bé tương tự hộ gia đình. Quy mô nhỏ bé dẫn tới không tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung vào đầu tư công nghệ…
Hơn nữa, tuy doanh thu của khu vực tư nhân tăng ấn tượng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nhưng lợi nhuận không theo đà tăng đó, cho thấy doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn lớn, vất vả nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn- ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh chính là chất lượng nguồn nhân lực. Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện đang có sự thiếu hụt cục bộ về nguồn nhân lực ở các địa phương hay nhóm ngành. Ở phạm vi quốc gia lực lượng lao động chất lượng, có kỹ năng là tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định đến sự phát triển của quốc gia.
“Chúng ta đã có Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Tuy nhiên lại thiếu chính sách cụ thể, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục vụ tham gia vào quá trình đào tạo. Một vấn đề nữa là chúng ta đã có những cơ chế tài chính, nguồn lực cụ thể nhưng việc triển khai chưa tốt” – ông Trương Anh Dũng cho hay.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận xu hướng phát triển kinh tế mới, xu hướng đang chi phối nền kinh tế toàn cầu hiện nay đó là xu hướng Xanh, xu hướng số và xu hướng mới trong phát triển hội nhập, hay những vấn đề chính trị xã hội mới mà chúng ta không thể bỏ qua. Tất cả điều đó đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải đi tìm kiếm cách thức mới, giá trị mới cho vấn đề điều hành và phát triển.
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam; chuyên gia tư vấn quản trị công ty cao cấp Deloitte Việt Nam cho rằng, trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Ở đó, các doanh nghiệp huy động được một nguồn lực rất to lớn.
Đồng quan điểm, bà Trần Phương Trà- chuyên ngành quản trị chiến lược, Giám đốc chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp) đánh giá, những doanh nghiệp tìm ra “kim chỉ nam” trong việc làm thế nào tạo ra giá trị cho khách hàng, cho nhân viên và cho những nhà cung cấp sẽ tạo ra hiệu suất cao ngoại lệ hơn so với các doanh nghiệp khác.
Trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Trong đó, tăng trưởng xanh là xu hướng và ngày một trở nên cần thiết hơn. Việt Nam cũng đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là công cụ để phát triển. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để đảm bảo khả năng thích ứng với sự biến đổi hiện tại.
Trình bày về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong mở rộng và khai thác thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do là song hành. Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cần các giải pháp đồng bộ. Đó là đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm; cần quan tâm tìm hiểu thị trường để biết sản phẩm của mình ở đâu trong chuỗi cung ứng để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, theo bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng, nhất quán và kiên định với nguyện vọng và tầm nhìn, sứ mệnh hợp lý. Những điều này là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng và tiến về phía trước. Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải là những người có hoài bão, dám nghĩ dám làm để cạnh tranh hiệu quả, tăng trưởng nhanh, bền vững…
Nhấn mạnh phải phát triển đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh để tiếp sức và lãnh đạo cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
Do vậy, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực, quốc tế.
“Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại và dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cấu trúc lao động nhằm thích ứng và đón đầu xu hướng mới của thị trường”- Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững (vietq.vn)