Chiều 16/8/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME).
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và thảo luận về những thách thức cũng như kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do nữ làm chủ.
Tại Việt Nam, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng doanh nghiệp trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%. Các DNNVV do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) Trịnh Thị Hương, trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc DN phải thay đổi và thích ứng.
“Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp”- bà Trịnh Thị Hương chia sẻ.
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), 3 rào cản chính ngăn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số là: Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số (chiếm 60,1%); Thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%) và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,3%).
Thời gian qua, Dự án LinkSME và Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ để cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng lộ trình chuyển đổi số, các giải pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, khoảng 150 doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ được hỗ trợ nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số và hàng ngàn nữ doanh nhân sẽ được tiếp cận những kiến thức, thông tin về chuyển đổi số thông qua các hội thảo và đào tạo do dự án LinkSME tổ chức.
Nhằm phát triển vào chiều sâu, hỗ trợ hơn nữa những doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, USAID sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số. Một trong số đó là thiết lập mạng lưới chuyên gia cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp với giá ưu đãi, kết hợp các buổi đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, chuyển đổi số đã và đang có tác động ngày càng lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn thế giới. Chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và những cách thức mới, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để chuyển đổi số thành công. Họ còn thiếu kiến thức về chuyển đổi số, đồng thời chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để bắt đầu áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang là xu thế tất yếu. Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ cần không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thể “hành động”, “đột phá”.
Đặc biệt, cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động, kịp thời “hành động” để bứt phá trong kinh doanh.
Theo VietQ.vn
Tháo gỡ rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ chuyển đổi số thành công (vietq.vn)